Nạn ô nhiễm nước sông Đồng Nai có thể khẳng định bùng nổ từ thời nhà máy của 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý, rồi đến Sonadezi xả thải bẩn ra rạch Bà Chèo (đổ ra con sông này). Đến nay, dù 2 đơn vị trên đã khắc phục nhưng ô nhiễm sông Đồng Nai không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng lan rộng.
Dơ bẩn dồn về
Nói đến việc nước thải hòa nước sông Đồng Nai, trước hết phải nhắc đến đoạn qua TP HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Tại vùng giáp ranh 3 địa phương này, hiện trên bầu trời thì ngày đêm hàng trăm ống khói nhà máy phun tỏa, hai bên bờ sông Đồng Nai thì hệ thống cống nước xả thải nơi len lỏi, nơi ồ ạt chảy ra.
Cụ thể, ở đoạn chảy qua TP Biên Hòa, con sông đang oằn mình gánh nước thải của đô thị hơn triệu dân, cùng với các khu công nghiệp (KCN). Cũng ở Đồng Nai, trên sông La Ngà (huyện Định Quán) và sông Cái (TP Biên Hòa), các làng bè cá lâu đời được xác định xả xuống sông một lượng chất thải không hề nhỏ. Phía quận 9 (TP HCM), các thị xã Dĩ An, Tân Uyên (Bình Dương) với các nhà máy, cơ sở sản xuất mọc lên ngày càng nhiều, việc tiêu tán nước thải từ sinh hoạt đến công nghiệp (đã xử lý hay chưa qua xử lý) cũng dồn về một mối: sông Đồng Nai!
Điểm đen gây ô nhiễm - KCN Biên Hòa 1 - được yêu cầu di dời cấp bách nhưng vẫn thực hiện đủng đỉnh. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Theo tìm hiểu của chúng tôi, qua nhiều lần quan trắc các vùng nước mặt trên sông Đồng Nai, các cơ quan chuyên môn xác định chất lượng nước mặt của con sông này bị ô nhiễm rất nặng. Trong đó, nếu đoạn từ hợp lưu với sông Đạ Huoai, giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng (thượng nguồn) đến đoạn hợp lưu với sông Bé và đoạn qua huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tuy ô nhiễm nhưng không nguy hiểm thì đoạn qua TP Biên Hòa, nước sông Đồng Nai được xác định là ô nhiễm nghiêm trọng, hàng loạt thông số đều vượt quy chuẩn, trong đó có hàm lượng sắt và các vi khuẩn gây bệnh. Khu vực này cũng chính là nơi tiếp nhận nước để xử lý nước sinh hoạt của các nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp, Bình An…cung cấp nước cho gần 20 triệu dân Biên Hòa và TP HCM.
Ghi nhận thực tế trên sông, đoạn qua TP Biên Hòa bằng cách hỏi cư dân hai bên bờ thì ai cũng trả lời: Có cho tiền cũng không còn dám tắm giặt trên dòng sông này. "Nhìn mặt nước thì không thấy bẩn nhưng cứ lao mình xuống tắm là thấy ngay hậu quả. Đó là nổi mẩn, ngứa ngáy khắp người" - chị Hòa, một cư dân sống bên dòng Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa, chia sẻ.
Chuyện cấp bách nhưng làm… ì ạch
Theo chị Hòa, bỏ qua tất cả tác nhân khác, ở Đồng Nai chỉ cần "xử" được KCN Biên Hòa 1 là chuyện ô nhiễm dòng Đồng Nai (đoạn chảy qua Biên Hòa) sẽ khắc phục được phần lớn.
Vấn đề chị Hòa nêu, thực tế cũng là những gì Chính phủ đã nhìn thấy từ năm 2009. Thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương để tỉnh Đồng Nai di dời KCN Biên Hòa 1 và yêu cầu tỉnh xem đây là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn. Theo đó, để thực hiện di dời và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Tổng Công ty Phát triển KCN Sonadezi (công ty trực thuộc tỉnh) lập đề án, triển khai kế hoạch. Theo kế hoạch Sonadezi đưa ra thì khu đất hiện hữu có thể trở thành trung tâm hành chính hoặc khu đô thị. Các doanh nghiệp (DN) tại đây sẽ dời về KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) hoặc các KCN khác. Tổng số vốn thực hiện khoảng 15.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, gần chục năm trôi qua, việc thực hiện vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Lý giải nguyên nhân, Sonadezi cho rằng vấn đề nan giải mà họ đang gặp phải là những khúc mắc về pháp lý. Tại đây, có hơn một nửa DN thuê đất đến sau năm 2050 nên DN không đồng ý di dời nếu chính sách đền bù không tương xứng. Nói về trách nhiệm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển KCN Sonadezi, lại cho rằng hiện việc di dời KCN Biên Hòa 1 vẫn đang từng bước tháo gỡ các vướng mắc. "Sonadezi chỉ được tỉnh giao thực hiện đề án, riêng các bước tiếp theo xuất hiện các vướng mắc các bên cùng phải tháo gỡ, hiện tất cả vẫn đang chỉ là kế hoạch…" - bà Hằng thông tin.
Trong khi đó, theo chủ một DN không chịu di dời thì tất cả chính sách di dời hoàn toàn bất lợi cho DN và có lợi cho đơn vị sẽ làm chủ khu đất KCN Biên Hòa 1. "DN bị di dời bị thiệt thòi đủ kiểu, từ khó khăn về nguồn lao động, nhà máy ngưng hoạt động để di chuyển đến mất khách hàng, mất thị trường… Thêm nữa, khi nơi đây giải tỏa xong sẽ thành "đất vàng" vì nó có quá nhiều lợi thế, như nằm gần cầu Đồng Nai, ngay ngã tư Vũng Tàu, nằm sát bên sông Đồng Nai, thuộc vùng trung tâm với hệ thống quốc lộ, cao tốc, metro đang hướng đến. Do đó, chính sách di dời cần phải tính sao cho phù hợp chứ như bây giờ là không được" - chủ DN trên đề nghị.
Thông tin từ Sonadezi đưa ra cùng với lập luận của DN không chịu di dời, đồng nghĩa với việc dòng Đồng Nai sẽ tiếp tục gánh nước thải của khoảng 80 DN đang hoạt động chưa chịu di dời khỏi KCN Biên Hòa 1, với mỗi ngày xả hơn 9.000 m3 nước thải ra sông Đồng Nai nhưng chỉ có hơn 1.000 m3 được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của tỉnh là kiểm soát được.
Thất bại mục tiêu kiểm soát nguồn thải!
Liên quan đến việc ô nhiễm sông Đồng Nai, Cục Cảnh sát môi trường từng thống kê trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả từ nhiều nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi... Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát môi trường phát hiện DN không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng không vận hành. Thậm chí, có DN xây dựng hệ thống xả thải bí mật để xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch, rồi ra sông. Hầu như tất cả đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Chưa kể các tỉnh, thành trên lưu vực sông còn nhiều bệnh viện tuyến huyện xả thải trực tiếp vào hệ thống nước thải sinh hoạt, xả ra nguồn nước lưu vực sông...
Nêu ra thống kê trên để thấy các mục tiêu kiểm soát nguồn thải trên sông Đồng Nai được Chính phủ đưa ra gần như thất bại, bởi sự quản lý yếu kém của chính quyền các tỉnh, thành mà dòng Đồng Nai chảy qua.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt "Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020". Đề án đặc biệt chú trọng vấn đề kiểm soát, giám sát tốt các nguồn xả thải ra hệ thống sông Đồng Nai và làm mọi cách để giữ sạch được nước sông. Đề án nêu rõ mục tiêu của giai đoạn 2011-2015 là: Ít nhất 60% khu đô thị và 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu gom trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại. Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là: Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu gom trên 95% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại.
Thất bại quy hoạch làng bè
Làng bè Tân Mai nằm trên sông Cái, nhánh sông Đồng Nai ôm lấy TP Biên Hòa hiện có khoảng 300 hộ nuôi cá. Cách đây vài năm, cơ quan chức năng TP Biên Hòa đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại làng bè một lần, theo hướng làng bè cá được gom lại ở một khúc sông để hợp mỹ quan và bớt ô nhiễm. Theo đó, UBND TP Biên Hòa quy định mỗi bè cá chỉ được có một bè duy nhất với quy mô 4 m x 8 m, các bè cá không đúng tiêu chuẩn sẽ phải cải tạo lại.
Những hộ dân nuôi cá ở làng bè Tân Mai với nhiều bao bì thức ăn cho cá
hằng ngày được xác định đã góp phần gây ô nhiễm sông Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG
Quy định trên lập tức bị người nuôi cá phản đối và đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Trần Văn Hợi, một chủ bè tại đây, cho biết về cơ bản đồng ý với chủ trương chung để làng bè được quy hoạch sạch đẹp, giảm bớt tác động gây ô nhiễm nhưng phải không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của người dân. "Thừa nhận có gây ô nhiễm nhưng đây là nghề mưu sinh, phải có hướng đi cụ thể chứ không cắt chén cơm manh áo của chúng tôi bằng cách chỉ cho mỗi hộ nuôi một bè được…" - ông Hợi nêu ý kiến và đề nghị cơ quan chức năng tính toán lại.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-8
Kỳ tới: Chậm giải cứu là có tội!
Bình luận (0)