Dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi mong muốn phối hợp với cơ quan truyền thông để đưa một số thông điệp quan trọng đến với các đối tượng thụ hưởng lợi ích từ hiệp định.
Thứ nhất, việc tuyên truyền cần làm bật được những nội dung mới, chưa từng có để DN, người dân hiểu đúng, hiểu đủ về cam kết giữa nước ta với EU. Ví dụ, một trong những cam kết chưa từng có trước đây là cho phép tổ chức Công đoàn được tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển bền vững như lao động, công đoàn, môi trường... Ở vấn đề này, quá trình thông tin qua lại giữa các bên cần được truyền dẫn sao cho hiệu quả nhất, tránh những phát sinh không đáng có.
Thứ hai, chúng tôi mong muốn qua truyền thông, cộng đồng có cách nhìn chính xác, đúng đắn về cả cơ hội cũng như thách thức của hiệp định. Hiệp định mở ra "tuyến cao tốc" nối Việt Nam với thị trường rộng lớn có 447 triệu người tiêu dùng (số liệu năm 2018) và quy mô GDP 18.300 tỉ USD (số liệu năm 2019) nhưng việc thực thi và tận dụng được hiệu quả từ hiệp định lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của chúng ta. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Việt Nam thực hiện cam kết theo kiểu sáng tạo, quyết tâm đổi mới cải cách thủ tục tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế thì GDP từ nay đến 2030 có thể tăng thêm 6,8%. Mức tăng này nổi trội hơn hẳn so với kịch bản vận dụng EVFTA theo kiểu đơn thuần, máy móc, không có quyết tâm cao. Nói cách khác, hiệp định chỉ vẽ ra khuôn khổ cứng, còn chúng ta cần tiếp cận một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện Việt Nam để có lợi nhất trong quá trình thực thi.
Truyền thông, báo chí cũng sẽ giúp chúng tôi đưa thông tin đến người dân, DN nhanh nhất, đồng thời cũng nhận được phản hồi, ý kiến tâm tư, nguyện vọng của người dân qua báo chí. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước hiểu hơn những rào cản, khó khăn của cộng đồng DN, có cách tháo gỡ hiệu quả cho họ.
Cuối cùng là câu chuyện cải cách. Cải cách không phải chỉ để bước vào EVFTA, đáp ứng được cam kết, tận dụng được lợi ích từ hiệp định này mà còn cải cách vì nhu cầu nội tại. Nhưng dù nhu cầu nội tại có thôi thúc đến đâu, bản thân chúng ta cũng không thể cải cách hiệu quả, nhanh chóng nếu phải tự mò đường. Gia nhập EVFTA với những cam kết buộc phải thay đổi, với những khung khổ pháp lý, mô hình cải cách thành công từ nước bạn và những bài học kinh nghiệm từ họ, Việt Nam chắc chắn sẽ đi nhanh hơn trong mục tiêu cải cách toàn diện của mình. Những khuôn mẫu hiệu quả đó là cái chúng ta có thể học theo, nhưng đồng thời cũng là điều chúng ta buộc phải làm theo để bước ra sân chơi lớn cùng EU. Thông tin, tuyên truyền được rõ ràng về điều này có thể giúp từng bộ, ngành, địa phương nhìn thông suốt hơn việc cần nỗ lực làm trong tương lai, tránh tự lấy đá ghè chân mình, cản đường đến với siêu xa lộ đang rộng mở...
Bình luận (0)