Ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử này đã trở thành một lễ hội của dân tộc, được tiến hành trọng thể hằng năm, cho thấy tính chất, tầm vóc, ảnh hưởng tinh thần của chiến công hiển hách Tết Kỷ Dậu 1789 trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa từ 230 năm trước, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã để lại dấu ấn lịch sử của thời đại mình bằng tinh thần bách chiến bách thắng, tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và kiêu hãnh, khiến kẻ thù không chỉ khiếp sợ mà còn rất kính trọng, đối xử bình đẳng, rất tôn trọng Đại Việt.
Đó chính là tinh thần Quang Trung truyền lại cho dân tộc đến ngày nay.
Chỉ trong một tháng hành quân thần tốc và chỉ cần 6 ngày tổng tấn công, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử; xác quân Thanh phơi trắng gò Đống Đa, nổi kín mặt nước sông Hồng.
Để đánh được đội quân ấy không đơn giản. Ngày mùng 3 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung tự mình đốc chiến và đánh suốt ngày mới diệt được thành Hà Hồi, thiệt hại cũng lớn. Ngày mùng 5 Tết, trận Ngọc Hồi cũng diễn ra rất ác liệt. Theo tài liệu của Hội Truyền giáo Bắc Hà: "Nguyễn Huệ phải bỏ voi cưỡi ngựa, xông lên đầu chỉ huy". Những chi tiết này cho thấy quân địch rất mạnh và thiện chiến.
Tôn Sĩ Nghị từng đỗ tiến sĩ, từng mấy lần làm Tổng đốc lưỡng Quảng, sau này còn làm đến Binh bộ Thượng thư. Dưới trướng họ Tôn còn có những tướng nổi tiếng như Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống, Thượng Duy Thăng…, cùng với 29 vạn quân thiện chiến, vậy mà quân Thanh phải cắm đầu cắm cổ chạy khỏi nước ta. Tôn Sĩ Nghị chấp nhận nhục nhã chui vào ống đồng để cho quân sĩ dẫn sang bên kia sông Hồng tháo chạy về nước thoát thân!
Chiến thắng lịch sử ấy mở ra một thời đại rực rỡ của dân tộc - thời đại Quang Trung - cùng tinh thần Quang Trung bất khuất, kiêu hãnh và tự tôn. Một thời đại huy hoàng của Đại Việt, không chỉ có giá trị lúc ấy mà còn làm cho ngoại bang hiểu rằng không thể và không bao giờ có thể đồng hóa một dân tộc có nền văn hiến ngàn năm như chúng ta.
Nên nhớ rằng sử nhà Thanh xem cuộc xâm lược Đại Việt lần ấy như là một trong mười chiến dịch hành quân lớn (Thập toàn võ công) dưới triều đại Càn Long, được ghi lại trong "Thập toàn ký" (1792) của vị hoàng đế này và qua đó mà Càn Long tự xưng là "Thập toàn lão nhân". Tất nhiên, nhà Thanh không bao giờ muốn thua trận một cách thảm bại như vậy. Và dĩ nhiên, Càn Long không thể là "Thập toàn lão nhân" bởi đâu có được "Thập toàn võ công"!
Nhà Thanh đã phải tôn trọng gần như tuyệt đối với triều đại Quang Trung, không chỉ trên mặt trận quân sự mà ngay cả trong quan hệ ngoại giao sau này. Với sự trợ giúp đắc lực của hai nhà trí thức, ngoại giao tầm cỡ Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, lịch sử quan hệ bang giao giữa nước ta với Trung Quốc có một thời thành công rực rỡ và bình đẳng với Trung Hoa đại cường.
Ở thời đại Quang Trung, hầu hết các mục tiêu ngoại giao có tính chiến lược đều đạt được và hứa hẹn còn nhiều thành công bất ngờ nếu Quang Trung không đột ngột băng hà ở tuổi 39. Trong lần đi sứ sang triều Thanh báo tang, nhà ngoại giao Ngô Thì Nhậm càng thấy thêm tầm vóc lớn lao của vua Quang Trung khi chính vua Càn Long gửi chiếu thư chia buồn lúc sứ bộ còn cách rất xa Yên Kinh và chỉ thị: "Cống thần ngậm đau thương mà đến, các tỉnh hội mà sứ bộ đi qua đều phải đình chỉ các yến tiệc vui chơi".
Khi chết đi, Hoàng đế Quang Trung vẫn để lại cái uy dũng của tinh thần chiến thắng, bất khuất, tự tôn.
Nguyễn Huệ thực sự là vị anh hùng đại võ công. Chính Nguyễn Huệ đã đập tan khối phong kiến Trịnh - Nguyễn tồn tại hàng trăm năm; đánh tan hơn 2 vạn quân Xiêm, làm nên chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút lẫy lừng và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội. Bằng tài thao lược của mình trong chính sách ngoại giao, văn hóa, Nguyễn Huệ đã làm nên tinh thần Quang Trung kiêu hãnh và kiêu dũng, buộc kẻ thù phải khiếp sợ và tôn trọng.
Tinh thần đó vẫn còn ảnh hưởng đến tận hôm nay.
Bình luận (0)