xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếp sức Đắk Nông chặn bệnh bạch hầu

Cao NGUYÊN - ANH THƯ - NGUYỄN THẠNH

Ngoài tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc bạch hầu trở nặng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã cử đoàn bác sĩ đến tỉnh Đắk Nông để hỗ trợ điều trị, ngăn chặn dịch bệnh

Ngày 26-6, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết BV vừa tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng mắc bạch hầu biến chứng viêm cơ tim nguy kịch từ ổ dịch bạch hầu của tỉnh Đắk Nông chuyển đến.

Ca mắc mới suy hô hấp ngày thứ 7

Đó là bệnh nhi Giàng A Ph. (13 tuổi, dân tộc H’Mông), nhập viện BV Đa khoa vùng Tây Nguyên vì sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, nhiễm độc, nhiễm trùng nặng. Bệnh nhi chưa được chích ngừa trước đây, được chẩn đoán mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp ngày thứ 7.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhi ngày càng nguy kịch, BV Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chuyển bệnh nhi đến BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ngay trong đêm 25-6, bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim.

Tiếp sức Đắk Nông chặn bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Tổ chức cấp phát thuốc, điều trị dự phòng cho người dân vùng xảy ra dịch bệnh bạch hầu .Ảnh: CAO NGUYÊN

Trước đó, ngày 20-6, Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi, được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, suy thận do BV Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhi đã tử vong ngay sau 2 giờ nhập viện. Đây là một bé gái người H’Mông, chưa từng được tiêm phòng vắc-xin ngừa bạch hầu.

Trước diễn biến phức tạp của các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM đã cử đoàn chuyên gia đến địa phương này để hỗ trợ điều trị, ngăn chặn dịch bệnh. Tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên, đoàn đã thảo luận một số vấn đề về quản lý bệnh, chăm sóc điều trị bệnh nhân; đồng thời cắt cử một bác sĩ (BS) chuyên khoa hồi sức tích cực trẻ em để hỗ trợ chuyên môn cho BV.

Liên quan đến ca bệnh bạch hầu tại BV Quân y 175 (TP HCM), thông tin mới nhất từ đơn vị này, 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, tuy nhiên vẫn tiếp tục được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.

Điều trị dự phòng cho người dân

Từ đầu tháng 6 tới nay, tại huyện Krông Nô và Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện 3 ổ dịch bạch hầu (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; xã Quảng Hòa, Đắk R’măng, huyện Đắk G’Long) với 12 người mắc bệnh, trong đó có 1 cháu nhỏ 9 tuổi (ngụ xã Quảng Hòa) đã tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong ngày 26-6, đoàn công tác liên ngành của UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác phòng chống bệnh tại các địa phương có dịch bệnh. Đến chiều cùng ngày, theo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, đã lấy 572 mẫu xét nghiệm bạch hầu, tổ chức điều trị dự phòng cho khoảng 1.300 người dân.

Về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết trong số 12 ca dương tính, có 4 ca người dân tới cơ sở y tế khám và phát hiện; 8 ca được phát hiện trong quá trình khám sàng lọc phòng chống bệnh bạch hầu. Hiện trong số 11 ca mắc bạch hầu, có 4 trường hợp đã xuất viện, 1 trường hợp bị nặng đã được dùng huyết thanh kháng bạch hầu; số còn lại sức khỏe ổn định.

Trong khi đó, ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, thông tin đến chiều 26-6 là ngày thứ 3 không có ca nhiễm mới. Ngành y tế tỉnh cũng đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đối với 28 học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô). Do 1 học sinh của trường này tiếp xúc gần với 1 ca mắc ở xã Quảng Hòa nên ngành y tế lấy mẫu những học sinh trên để bao vây, tầm soát.

Khuyến cáo tiêm ngừa vắc-xin

Việc xuất hiện các ổ dịch bạch hầu với 1 ca đã tử vong khiến người dân ít nhiều lo lắng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), không có khả năng bạch hầu bùng thành dịch lớn như nhiều người đồn đoán trên mạng vài ngày nay, vì 2 lý do. Thứ nhất, tuy là một bệnh lây qua đường hô hấp nhưng khả năng lây của bệnh này thấp hơn nhiều so với đa số các siêu vi đường hô hấp khác. Thứ hai, đa số người dân đã có miễn dịch với căn bệnh này, nhất là tại các thành phố lớn, vì chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có căn bệnh này đã được triển khai rộng khắp từ rất lâu.

Bạch hầu chính là một trong các bệnh được ngừa bằng vắc-xin "5 trong 1" của chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, hoặc các vắc-xin dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1", "4 trong 1" tương đương. Các vắc-xin này cùng với các loại được chỉ định tiêm thêm/uống thêm khi đi chích những loại này sẽ giúp ngừa 6 bệnh nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não mủ do Hib, viêm gan siêu vi B, sốt bại liệt.

Ngay cả những người ra đời hàng chục năm về trước, đa số cũng đã được tiêm chủng vắc xin "3 trong 1" ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà. Tạo được miễn dịch cộng đồng sau rất nhiều năm tiêm chủng rộng rãi chính là lý do bệnh này thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài ổ dịch, ở những nơi tỉ lệ tiêm chủng thấp. Vì vậy, nếu tiêm rồi thì không sợ bệnh, nếu chưa tiêm thì có thể đi tiêm, tuyệt đối không tự ý mua thuốc dự phòng về uống. Các thuốc dự phòng do nhân viên y tế cấp phát chỉ dành cho những người sinh sống ngay tại vùng có dịch, chưa tiêm.

"Tuổi nào cũng có thể mắc nhưng thường gặp hơn ở trẻ 3-4 tuổi trở lên, chưa được tiêm ngừa. Biểu hiện ban đầu là sốt, ho, khàn tiếng, sau đó nổi các mảng trắng ở vùng hầu - họng, nhìn bên ngoài có thể thấy sưng hạch ở cổ. Nếu mảng trắng lan rộng, làm tắc đường thở thì bệnh nhân có thể tử vong. Ngoài ra, nội độc tố bạch hầu cũng sẽ xuất hiện, có thể gây viêm cơ tim, dẫn đến suy hô hấp, sốc tim và tử vong. Vì vậy, việc tiêm ngừa đầy đủ các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc vắc-xin dịch vụ tương đương là rất cần thiết" - BS Khanh khuyến cáo. 

Tổ chức cách ly, hỗ trợ người dân

Đối với công tác hỗ trợ phòng chống dịch, ông Vũ Tá Long - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long - cho biết tại 2 ổ dịch ở xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện đã huy động lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với ngành y tế lập các chốt, hỗ trợ người dân đi bệnh viện, tổ chức điều trị dự phòng, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Theo ông Long, do đời sống của người dân còn khó khăn nên chính quyền đã hỗ trợ gạo cho người dân vùng cách ly. Đối với các nhu yếu phẩm khác, lực lượng chức năng tại chốt chặn sẽ hỗ trợ người dân đi mua về khi có nhu cầu. "Có 2 trường hợp bị bệnh nặng, cần phải mua thuốc đặc trị ở ngoài bệnh viện với số tiền lớn nhưng gia đình khó khăn nên UBND huyện cũng phối hợp hỗ trợ 50% số tiền mua thuốc cho các cháu" - ông Long thông tin thêm.

C. Nguyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo