xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TIẾP SỨC NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, BÁM BIỂN (*): Tạo điều kiện để ngư dân ra khơi

THANH TUẤN - KỲ NAM - BÍCH VÂN - ANH TÚ

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; nghiên cứu mở rộng ngư trường; hiện đại hóa nghề cá gắn với đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu cá cho ngư dân... là những giải pháp cấp thiết hiện nay

Chúng tôi đến cảng cá Hòa Lộc (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vào một ngày biển động. Hàng chục chiếc tàu nằm bến, thi thoảng một vài chiếc từ khơi xa trở về…

Đừng để ngư dân... tự bơi

Gặp ông Lương Văn Tôn (ngụ xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) vừa trở về từ tàu câu mực, ông cho biết do đang mùa biển động nên ít tàu ra khơi. Tàu của ông đi bạn vừa trở về cũng ít mực hẳn. "Ngay cả lúc trời yên biển lặng, việc đánh bắt cũng gặp khó khăn do suy giảm nguồn thủy sản" - ông Tôn phản ánh.

Ông Tôn làm việc trên tàu của ông Tô Văn Ngọ (ngụ thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc), chuyên hành nghề câu mực (mành chụp) ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Ông Ngọ nói khoảng hơn 1 năm nay, ngư trường bị thu hẹp do Hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc hết hạn từ ngày 30-6-2020, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Vì lý do này, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu, chi phí nhân công tăng nên nhiều chủ tàu lỗ vốn. Cả xã Ngư Lộc trước đây có hơn 100 tàu làm nghề mành chụp nhưng nay chỉ còn 13 chiếc.

TIẾP SỨC NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, BÁM BIỂN (*): Tạo điều kiện để ngư dân ra khơi - Ảnh 1.

Tàu cá của ngư dân Thanh Hóa neo đậu tại cảng trong những ngày biển động. Ảnh: THANH TUẤN

Tại nhiều vùng biển như Hậu Lộc, Sầm Sơn, Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa, khá nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, chứ không ra khơi nhộn nhịp như trước. Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sầm Sơn, cho biết Sầm Sơn có hơn 200 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó 22 tàu nằm bờ không hoạt động, hơn 200 lao động đã bỏ nghề. Còn theo ông Nguyễn Văn Toản, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc, địa phương này có 263 tàu đánh bắt cá xa bờ, trong đó có 8 tàu cá dừng hoạt động do thua lỗ.

Ông Toản cho rằng để ngư dân tiếp tục bám biển, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, định hướng về mở rộng ngư trường khai thác. Đồng thời nghiên cứu chính sách mới về đầu tư, hỗ trợ ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt cá để tăng năng suất. Hiện đại hóa nghề cá là xu hướng tất yếu, phải làm nhanh chứ đừng để ngư dân… tự bơi như hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng nhằm giúp ngư dân an tâm ra khơi, các cấp, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể. Song song đó, củng cố các tổ đoàn kết trên biển; bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa mưu sinh, bám biển vừa tham gia bảo vệ chủ quyền. Đặc biệt, phải nâng cao ý thức cho ngư dân về phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bởi chỉ cần một tàu đánh bắt trái quy định bị phát hiện thì hậu quả sẽ rất lớn cho cả ngành thủy sản nước nhà chứ không riêng "chén cơm" của ngư dân.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Trước tình hình khó khăn của ngư dân, nhiều địa phương đang nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Điển hình là TP Đà Nẵng. Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Đà Nẵng, khẳng định cùng với các chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, Đà Nẵng còn có nhiều chính sách riêng như hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thiết bị giám sát hành trình, trang bị máy móc, thiết bị trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu. Ngoài ra, các địa phương từ phường - xã đến quận - huyện luôn quan tâm, hỗ trợ đời sống những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm vươn khơi bám biển. Từ năm 2019 đến nay, UBND TP Đà Nẵng đã chi hơn 20 tỉ đồng hỗ trợ hơn 800 tàu cá nhằm phát triển khai thác hải sản trên địa bàn.

TIẾP SỨC NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, BÁM BIỂN (*): Tạo điều kiện để ngư dân ra khơi - Ảnh 2.

Ngư dân đan lại lưới để chuẩn bị cho chuyến đi biển tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: BÍCH VÂN

Trước việc nhiều ngư dân Bình Định gặp khó, không dám cho tàu ra khơi vì sợ lỗ, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, thông tin UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng phương án tiêu thụ thủy sản cho nông dân và ngư dân trong tình hình dịch Covid-19. Hiện Sở NN-PTNT đang phối hợp Sở Công Thương rà soát, thống kê để sớm triển khai phương án hỗ trợ cụ thể.

Bàn thêm về giải pháp hỗ trợ ngư dân, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định cho ngư dân. Giải pháp tối ưu là phải nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết giữa ngư dân - doanh nghiệp thu mua - quản lý nhà nước - nhà khoa học. Trong đó, lấy ngư dân - doanh nghiệp là trọng tâm để phát triển kinh tế.

Ông Lăng cũng chỉ rõ bất cập hiện nay là chúng ta thiếu thông tin về ngư trường. "Hiện nay, các số liệu, thông tin về ngư trường đa số là vay mượn, nhận định, tính toán trên số liệu của nước ngoài. Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị, tàu chuyên nghiên cứu trên biển… cho các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Hải dương học, để có các công trình nghiên cứu, dữ liệu và căn cứ khoa học của riêng Việt Nam. Ví dụ nghề lưới vây khơi, câu cá ngừ đại dương, mành chụp thì đánh bắt theo dòng hải lưu nào? Đàn cá di chuyển và sinh trưởng từ vùng nào đến vùng nào? Các nghề khác nhau thì di chuyển theo thời vụ nào đạt sản lượng cao?... Chỉ có làm được như vậy thì mới giúp ngư dân yên tâm đánh bắt, từ đó làm giàu từ biển và có ý thức cùng nhau bảo vệ biển" - ông Võ Thiên Lăng chia sẻ. 

Đoàn kết ngư dân trên biển

Ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian qua, cùng với cả nước, Công đoàn tỉnh Khánh Hòa tập trung vận động ngư dân thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn nghề cá. Đến nay, Công đoàn các cấp đã thành lập được 9 nghiệp đoàn ở Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh với khoảng 1.400 đoàn viên. "Các nghiệp đoàn trở thành điểm tựa, quy tụ, gắn kết ngư dân tạo nên sức mạnh tập thể, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn, rủi ro khi hành nghề khai thác trên biển" - ông Bình khẳng định.K.Nam

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-11

Kỳ tới: Đưa ngư dân vào chuỗi cung ứng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo