Ngày 15-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình biển Đông và công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng thời gian qua.
Cần quyết sách về vấn đề biển Đông
Cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (quận Ba Đình) cho biết dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng khi gần đây, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất và các tàu hộ tống vào hoạt động trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp và phản ứng của dư luận thế giới. "Nhân dân rất mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội có những quyết sách về vấn đề biển Đông hiện nay và những năm tiếp theo" - ông Hảo nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong vấn đề xử lý quan hệ đối ngoại nói chung, Việt Nam đang xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trên trường quốc tế; về vấn đề biển Đông nói riêng là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định xử lý vấn đề biển Đông phải dựa trên nguyên tắc tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hơn 70 cán bộ cao cấp bị xử lý
Thông báo với cử tri về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết đã có kết quả tích cực. Theo đó, số cán bộ đã bị kỷ luật trong nửa nhiệm kỳ qua là hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương quản lý. Trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên ủy viên Trung ương Đảng... Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đã thi hành kỷ luật với 2 nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Các bước xử lý hành chính, hình sự vẫn đang tiếp tục.
Trước những kết quả trên, ông Nguyễn Văn Khiêm, cử tri của quận Hoàn Kiếm, cho rằng đã không còn "vùng cấm" trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng. "Nhân dân nhận thấy tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" - ông Khiêm đánh giá.
Cho rằng công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo bày tỏ lo ngại khi việc thu hồi tài sản bất minh còn rất hạn chế, vẫn có hiện tượng nhẹ trên, nặng dưới. Cử tri này mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ có quyết sách để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người trực tiếp chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri tại buổi tiếp xúc Ảnh: TTXVN
TP HCM: Sốt ruột với Thủ Thiêm, ngán ùn tắc
Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cùng các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4, 5, 11 trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, chia sẻ ý kiến của cử tri về tình trạng ùn tắc giao thông tại TP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết nguyên nhân do dân số tăng nhanh (5 năm tăng 1 triệu người) trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp vì thiếu kinh phí, quy hoạch giao thông chưa đồng bộ... Từ đó, người đứng đầu TP cho rằng cần quy hoạch tăng tỉ lệ đất dành cho giao thông; tăng kinh phí làm đường (vừa là kinh phí của nhà nước vừa hợp tác công tư); làm đủ các đường vành đai, liên kết vùng; tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng... "Ùn tắc giao thông có lý do chủ quan, khách quan nhưng chúng ta không để bế tắc. Việc giải quyết phải có lộ trình và chia sẻ" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tiếp xúc với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang, nhiều cử tri đã đề cập đến vấn đề khiếu kiện, khiếu nại tại dự án khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (quận 2). Ông Nguyễn Hữu Châu (cử tri quận 3) cho rằng chính quyền TP HCM cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết dứt điểm các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện tại dự án này.
Trả lời, ông Trần Lưu Quang cho biết Thanh tra Chính phủ đã có kết luận khu đất 4,3 ha nằm ngoài dự án KĐTM Thủ Thiêm. TP HCM đang thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ để chi hỗ trợ bổ sung cho các hộ dân trong khu vực này. Còn về 160 ha làm khu tái định cư, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất dự thảo kết luận và đang trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo để ký ban hành.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cũng nói thêm rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập một đoàn công tác để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân qua các thời kỳ liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm ở dự án KĐTM Thủ Thiêm. Dự kiến, trước Tết nguyên đán năm 2020 sẽ có kết luận về vấn đề này. "Việc Thủ Thiêm không thể xử lý một ngày một bữa nhưng chúng tôi ý thức rằng nếu không xử lý cơ bản xong Thủ Thiêm thì không chỉ riêng khu vực đó mà sự phát triển của cả TP sẽ chậm lại. Chúng tôi sẽ hết lòng hết sức vì chuyện này" - ông Trần Lưu Quang nói.
Hải Phòng sẽ có cơ chế chính sách đặc thù
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng sáng 15-10 cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Cử tri Nguyễn Trần Lanh (thị trấn Núi Đèo) đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tài chính đặc thù cho Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị để TP tiếp tục có thêm nhiều nguồn lực thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ.
Bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với ý kiến của cử tri Nguyễn Trần Lanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng dự thảo nghị định mới giúp Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 45 một cách thuận lợi, trong đó có việc ban hành cơ chế tài chính ngân sách đặc thù để phù hợp với thực tế, giúp Hải Phòng huy động được nhiều nguồn lực mạnh mẽ hơn.
Tr.Đức
Bình luận (0)