Chiều 25-8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng dịch Covid-19 của Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đến nay đơn vị này đã kiểm tra được 56 bệnh viện trên tổng số 80 bệnh viện toàn TP Hà Nội (cả công lập và dân lập).
Kết quả kiểm tra cho thấy, 40 bệnh viện được đánh giá an toàn, 13 bệnh viện an toàn ở mức thấp, 3 bệnh viện không an toàn. 3 bệnh viện này gồm: Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Hà Nội, Bệnh viện mắt Việt Nhật, Bệnh viện mắt Hi-tech.
Theo bà Hà, các bệnh viện không an toàn chủ yếu là bệnh viện ngoài công lập, chuyên khoa mắt. Cả 3 bệnh viện này đều đã bị ngành y tế Hà Nội yêu cầu tạm dừng khám chữa bệnh.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Hà Nội (77 Nguyễn Du) là 1 trong 3 bệnh viện phải tạm dừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19
Trong quá trình kiểm tra, ngành y tế Hà Nội cũng phát hiện 2 bệnh viện có mức điểm an toàn ở mức rất thấp đó là Bệnh viện Đông Đô và Bệnh viện đa khoa Hồng Hà.
Với các bệnh viện an toàn ở mức thấp, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn và đề nghị có giải pháp khắc phục, nghiêm khắc phê bình các giám đốc bệnh viện, đồng thời yêu cầu cam kết chỉ cung cấp dịch vụ y tế khi bệnh viện đảm bảo an toàn. Với 3 bệnh viện không an toàn, Sở Y tế vẫn tiếp tục đình chỉ hoạt động.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá việc TP Hà Nội đóng cửa các bệnh viện không đảm bảo an toàn là biện pháp cần thiết. Nếu chúng ta không đánh giá, không kiểm tra các bệnh viện thì rất nguy hiểm. Bởi những phòng khám, nếu phòng chống dịch không tốt, bỏ lọt các ca nhẹ thì dịch bệnh sẽ âm thầm lây lan trong cộng đồng và vào bệnh viện lúc nào không hay.
Liên quan đến vấn đề người dân đang quan tâm, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết vấn đề các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn. Đây là hai khái niệm khác nhau, tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại.
Kết luận phiên họp, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiển hiện, yêu cầu các đơn vị thực hiện 6 giải pháp trọng tâm. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện: Phát hiện, xử lý nhanh nhất, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để khi có ca bệnh mới phát sinh; xác minh, cách ly lấy mẫu F1, F2, phấn đấu "24 giờ phải hoàn thành"
Các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền chỉ đạo hiện nghiêm các biện pháp bắt buộc như: Người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 m, có khai báo y tế; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có phương án phòng chống dịch bệnh. "Đặc biệt các hàng ăn uống thực hiện nghiêm giãn cách 1 m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt, khử khuẩn tay cho khác. Các quận huyện phải kiểm tra, tổng kết rõ nhà hàng nào làm tốt, nhà hàng nào còn vi phạm. Đặc biệt chú ý là các quán bia hơi hiện nay buổi chiều, tối còn rất đông" - ông Quý nhắc nhở.
Ông Quý cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, dừng hoạt động ngay các đơn vị không đảm bảo. Sở Y tế tiếp tục kiểm tra các cơ sở này trong tuần sau. Các quận huyện kiểm tra hết các cơ sở khám chữa bệnh để phòng ngừa nguy cơ.
Các đơn vị xử lý ngay tình hình mất an ninh trật tự, cò mồi, lôi kéo bệnh nhân ở cửa các bệnh viện. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm có Bệnh viện Việt Đức, Phụ sản, Bệnh Viện K… phải kiểm tra, xử lý ngay từ ngày mai 26-8. Đây cũng có thể là nơi lây lan dịch bệnh.
Bình luận (0)