Ngoài ra, 160 nhà sập và 3.364 nhà bị hư hại, tốc mái. Mưa lũ cũng khiến 874 ha lúa, 4.455 ha hoa màu, 3.040 ha thủy sản bị ngập; 5.372 cây xanh gãy đổ; 1.724 con gia súc, 20.292 gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Đặc biệt, mưa lũ làm sạt mái hạ lưu đập Hóc Cối (tỉnh Nghệ An); 500 m kênh, 1.000 m đê, kè biển ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị bị hư hỏng, sạt lở; 12 đập, hồ chứa ở tỉnh Kon Tum bị xói lở và sạt lở hàng ngàn mét bờ sông, bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh. Có 77 điểm trường bị ảnh hưởng; 8 tàu nhỏ bị hư hại, chìm tại khu neo đậu; nhiều tuyến quốc lộ bị hư hỏng. Hiện còn 1 đường dây 110 KV (thuộc lưới điện 110 KV) chưa khôi phục khiến 147 xã tại tỉnh Quảng Nam bị mất điện.
Chiều tối cùng ngày, tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết ảnh hưởng của mưa lớn kết hợp một số hồ chứa xả tràn để điều tiết nước đã gây ngập lụt, chia cắt cục bộ tại một số địa phương ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên... Gần 35.000 học sinh tại 83 trường ở huyện Hương Sơn và Hương Khê được cho nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Đáng chú ý, tại địa bàn huyện Can Lộc đã bất ngờ xảy ra trận lốc xoáy khiến một số nhà dân ở xã Thuần Thiện bị tốc mái, hư hỏng. Mưa to kèm theo gió lớn cũng đã khiến nhiều cột điện tại các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hương Khê gãy đổ, hàng ngàn hộ bị mất điện. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục chủ động thực hiện phương án "4 tại chỗ" để ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng sơ tán, di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, hơn 350 hộ dân với 1.400 nhân khẩu vẫn đang chịu cảnh cô lập hoàn toàn vì cầu sắt bị lũ cuốn trôi. Chính quyền xã này đã cử lực lượng túc trực 2 bên suối để bảo đảm an toàn cho người dân.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, công tác khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra đang được thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên, đến chiều 29-9, một số tuyến đường liên xã ở miền núi bị sạt lở trước đó vẫn chưa được giải phóng, một số khu vực thấp trũng còn ngập nước. Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 vận hành luân phiên 12 giờ nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trước 19 giờ ngày 5-10 để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo.
Tại tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh xin dừng cuộc họp nếu thấy cần thiết để tập trung chỉ đạo, kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định hỗ trợ khẩn cấp tiền và hàng trị giá 640 triệu đồng cho người dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bị ảnh hưởng bởi bão số 4. Các hộ gia đình nhận hỗ trợ tiền mặt là các hộ dân có người bị thương, nhà bị sập, nhà hư hỏng, thiệt hại nặng về lúa, hoa màu và sinh kế (ưu tiên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người khuyết tật, người già cô đơn...).
Trang thiết bị tại sân bay bị hư hỏng
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giao thông Vận tải, bão số 4 đã làm gián đoạn hoạt động bay tại các cảng hàng không khu vực miền Bắc và miền Trung. Bão cũng gây thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số đơn vị ở khu vực miền Trung.
Tính đến thời điểm này, 10 cảng vụ hàng không đã khai thác trở lại, gồm: Phú Bài, Phù Cát, Chu Lai, Đà Nẵng, Vinh, Đồng Hới, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Pleiku và Liên Khương. Các hãng hàng không đã kịp thời khôi phục hoạt động, tăng chuyến bay để nhanh chóng phục vụ các hành khách bị ảnh hưởng bởi bão số 4.
Bình luận (0)