Chiều 28-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng chống dịch Covid-19 họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, một số tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ về việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Không để đi - về tự phát
Tại cuộc họp, đại diện TP HCM cho biết nhờ sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố cũng như chi viện của trung ương, TP HCM cùng với Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã từng bước kiểm soát dịch bệnh. Theo kế hoạch mở lại các hoạt động sản xuất an toàn, các địa phương mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, đồng thời cũng tha thiết đề nghị người lao động đang ở trên địa bàn tiếp tục ở lại. Lãnh đạo 4 địa phương cam kết bảo đảm an sinh xã hội, tiêm vắc-xin cho người dân và sớm khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Hiện TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 rất cao, do đó trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ nguồn vắc-xin để tiêm đủ mũi 2. Lãnh đạo các tỉnh còn lại khẳng định sẽ gắn kết chặt chẽ với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong phòng chống dịch. Lực lượng lao động ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có một phần lớn từ các tỉnh này. Lãnh đạo các địa phương thống nhất khi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An từng bước kiểm soát được dịch bệnh sẽ thực hiện nới lỏng bên trong nhưng bên ngoài vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch lây lan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 28-9 Ảnh: ĐÌNH NAM
Thời gian qua, các tỉnh đã phối hợp với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để hỗ trợ, vận động người lao động của địa phương yên tâm ở lại. Những trường hợp thực sự cần thiết phải về quê thì tổ chức kế hoạch đưa, đón chu đáo. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người dân về quê tự phát, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, trong khi nhiều tỉnh tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 còn thấp, lực lượng y tế mỏng.
Theo đại diện Bộ Y tế, dù TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 rất cao nhưng người đã được tiêm vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, lây cho người khác. Vì vậy, việc đi lại của người dân tại các tỉnh, thành phố nói trên về các địa phương khác vẫn phải kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt theo quy định.
Các tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm soát người đi lại giữa TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với các địa phương khác sau ngày 30-9. Những người thực sự cần thiết từ khu vực này về các địa phương khác phải có kế hoạch đưa, đón chu đáo. TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng người dân tự phát về quê.
Ưu tiên tiêm vắc-xin
Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác - đánh giá thời gian qua các tỉnh hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng chống dịch ở TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết theo thống kê, hiện có khoảng 3,5 triệu công dân của cả nước đang đi làm việc, lao động, sinh sống ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An (riêng TP HCM có khoảng 2,1 triệu người). Người dân có nguyện vọng về quê, nhất là các tỉnh phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên. Nếu không kiểm soát việc người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất phức tạp, nguy hiểm. Việc di chuyển tự phát của người dân có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao.
Bộ Công an cũng thống nhất phương án tổ chức đưa đón công dân có kế hoạch. Riêng 4 tỉnh, thành phố nói trên cần vận động người dân ở lại, tạo điều kiện tiêm vắc-xin, tiếp cận gói an sinh, tạo việc làm, giảm tiền nhà trọ, khuyến khích doanh nghiệp đón lao động trở lại TP HCM làm việc... Ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân các tỉnh phía Nam để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với các địa phương có số lượng công dân lớn đang sinh sống tại 4 tỉnh, thành phố nêu trên, ông Hùng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo công an, quân đội phát hiện sớm các đội, nhóm kêu gọi người dân về quê tự phát để răn đe, xử lý.
Kết luận cuộc họp, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất kiến nghị của các tỉnh, thành, trong đó tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc-xin cho TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận. Khi tỉ lệ tiêm vắc-xin của các tỉnh, thành khác cao lên thì sẽ tạo điều kiện để người dân đi lại.
TP HCM: 6 quận, huyện đã kiểm soát được dịch
Tại buổi họp báo vào chiều 28-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết UBND quận Gò Vấp và Phú Nhuận vừa có báo cáo đánh giá đạt tiêu chí 3979 của Bộ Y tế về kiểm soát dịch bệnh. Như vậy, TP HCM có 6 địa bàn kiểm soát được dịch, gồm: huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè; quận 7, Gò Vấp và Phú Nhuận.
Về việc TP HCM tạm ngưng và thu hồi lô vắc-xin Pfizer, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết Sở Y tế không có văn bản nào chỉ đạo ngưng tiêm vắc-xin Pfizer. TP HCM đã nhận được 640.000 liều vắc-xin Pfizer của Bộ Y tế phân bổ. Hiện số vắc-xin đã được phân bổ về các quận, huyện và tiếp tục tiêm cho người dân.
Về giá bộ kit test nhanh Covid-19 đang sử dụng tại TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết trong đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua, thành phố nhận được nhiều nguồn tài trợ trên khắp cả nước; theo thống kê sơ bộ, đã nhận được tài trợ khoảng 11,5 triệu bộ kit test, sắp tới nhận thêm 2,5 triệu kit test. HCDC mua sắm kit test hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế. Có nhiều loại kit test, tùy tình hình thực tế, khả năng cung ứng, TP HCM sẽ mua kit test khác nhau.
Hơn 21.000 bệnh nhân xuất viện, số ca mắc giảm sâu
Bộ Y tế cho biết ngày 28-9 nước ta ghi nhận 4.589 ca mắc Covid-19 tại 34 tỉnh, thành phố, trong đó 717 ca ngoài cộng đồng. So với ngày trước đó, số ca nhiễm mới trong nước giảm 4.759 ca. Trong 24 giờ qua, TP HCM ghi nhận 377 ca Covid-19 và 3.417 trường hợp dương tính với test kháng nguyên nhanh qua tầm soát cộng đồng. Trong ngày, cả nước có thêm 21.487 bệnh nhân khỏi bệnh.
Đến nay, cả nước có 770.640 ca nhiễm bệnh, trong đó có 2.960 ca nhập cảnh và 767.680 ca nhiễm trong nước. Trong số đó, hiện có 559.945 ca đã khỏi bệnh, 191.759 ca đang điều trị và 18.936 ca tử vong. Đến nay, cả nước đã tiêm gần 40,1 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó gần 8,6 triệu người tiêm đủ 2 liều.
Bình luận (0)