Ngày 27-11, tại Hà Nội, hơn 250 đại biểu đã tham dự, thảo luận về vấn đề tự chủ đại học (TCĐH) tại hội thảo "Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) tổ chức. Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng kỳ vọng qua hội thảo, sẽ có những ý tưởng, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả TCĐH.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 23 cơ sở đào tạo (CSĐT) ĐH thực hiện tự chủ giai đoạn 2015-2020 đang gặp khó khăn như: nguồn tài chính thiếu bền vững khi học phí vẫn chiếm tỉ trọng lớn (hơn 80%); nguồn thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp; nhiều trường lúng túng trong thành lập, kiện toàn hội đồng trường; vai trò, chức năng của hội đồng trường chưa được đặt đúng vị trí; các CSĐTĐH thực hiện trách nhiệm giải trình chưa rõ nét, thiếu tính hệ thống…
Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - cho biết về quy định của luật, TCĐH tại Việt Nam cũng đã được đề cập từ khá sớm như tự chủ thực hiện nhiệm vụ ở các mặt học thuật, tổ chức, nhân sự và tài chính theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018 (Luật GDĐH 2018). Tuy vậy, ông Thắng nhìn nhận hành lang pháp lý cho hoạt động TCĐH còn bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật GDĐH 2018, hoạt động của CSĐTĐH còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách… với nhiều quy định mang tính ràng buộc.
Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng vì chưa có sự đồng bộ giữa các quy định của Luật GDĐH 2018 với các luật khác có liên quan nên các quy định pháp luật về TCĐH vẫn chưa thể phát huy tác dụng, đặc biệt khi thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Theo bà Lan Anh, Luật GDĐH 2018 trao thẩm quyền khá rộng cho CSĐTĐH về vấn đề nhân sự, tuyển dụng nhưng với các CSĐTĐH công lập, đa số nhân sự trong trường là viên chức phải tuân thủ các quy định của Luật Viên chức hiện hành. "Liệu CSĐTĐH với quyền tự chủ về nhân sự có thể "vượt rào" để thu hút người tài cho công tác đào tạo và nghiên cứu" - bà Lan Anh đặt vấn đề và kiến nghị sửa đổi đồng bộ Luật Viên chức, pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để "cởi trói" tối đa, trao quyền tự chủ cho các CSĐTĐH công lập.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội, cũng băn khoăn nếu không sớm thực hiện việc sửa đổi các quy định pháp luật cho đồng bộ, sẽ không tạo động lực và thuận lợi cho quá trình tự chủ, không cho phép các trường chủ động nguồn nhân lực và không tiếp cận với các nguồn đầu tư khác trong xã hội.
Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung về tự chủ đại học tại hội thảo Ảnh: Đình Nam
Cởi bỏ "chiếc áo" chủ quản
Ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng chỉ có một vài trường nhờ có người đứng đầu bứt phá, tạo nên các dấu ấn trong việc nâng cao chất lượng. Trong khi đó, nhìn chung vẫn còn các cơ sở giáo dục không chịu "lớn" và không muốn "lớn"; sự khác biệt về chất lượng giữa trường đã tự chủ và trường chưa tự chủ chưa rõ nét và đa số các trường thí điểm tự chủ vốn đã là các trường mạnh.
Vấn đề thay đổi tư duy trong TCĐH cũng được ông Trần Đức Viên chỉ ra như một điểm nghẽn hiện nay. Theo đó, trong quá trình vận hành TCĐH vừa qua, phản ứng của các trường chia 2 nhóm: Nhóm chưa muốn từ bỏ cơ quan chủ quản, chưa muốn thoát ra khỏi cơ chế cũ, phát triển tuy có chậm nhưng an toàn và nhóm đón nhận cơ chế TCĐH như một luồng sinh khí mới để phát huy các lợi thế do cơ chế này mang lại. Theo ông Viên, một số hội đồng trường chưa đủ mạnh nên chưa thể dỡ bỏ cơ chế chủ quản, chiếc áo cơ chế chủ quản đã quá chật, trong khi cơ quan chủ quản lại chưa muốn buông trường trực thuộc. Nguyên nhân khiến TCĐH còn nhiều bất cập là do quan niệm xã hội, thiết kế mô hình TCĐH chưa phù hợp, phân bổ nguồn lực chưa dựa trên đánh giá kết quả đầu ra...
Góp ý thêm về vấn đề này, bà Vũ Thị Lan Anh cho rằng để phát huy quyền tự chủ của các CSĐTĐH, các cơ quan chủ quản cần nhận thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình, bảo đảm quản lý theo pháp luật, hạn chế việc can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của CSĐTĐH ngoài phạm vi thẩm quyền của mình.
Với mong muốn xây dựng ĐH tự chủ hoàn toàn, có thể tự quyết định tất cả vấn đề liên quan đến sự phát triển công khai, minh bạch, hiệu quả, ông Trần Đức Viên cho rằng cần giải phóng các trường tự chủ khỏi cơ chế chủ quản. Theo đó, các cơ quan quản lý có thẩm quyền không thể tùy tiện can thiệp vào quyền tự chủ của nhà trường đã được nhà nước trao gửi, tránh những rủi ro không đáng có cho CSĐT tiên phong trong việc thực hiện cơ chế tự chủ. Cũng theo ông Viên, cần làm sáng tỏ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa 3 thiết chế Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu. Đồng thời gỡ điểm nghẽn theo hướng giao thực quyền cho hội đồng trường.
Phải có hội đồng trường
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thực hiện TCĐH mới chỉ được một bước, trước mắt còn cả quá trình dài. Phó Thủ tướng nêu 5 điểm thống nhất của TCĐH gồm: TCĐH đi từ chuyên môn, hay còn gọi là tự chủ học thuật; tự chủ phải gắn với giải trình, không phải giải trình với cơ quan nhà nước mà là với toàn xã hội; tự chủ không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa; tự chủ không có nghĩa buông lỏng quản lý nhà nước, sẽ quản lý bằng pháp luật và tự chủ nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo.
Phó Thủ tướng lưu ý để triển khai thiết thực TCĐH, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó các CSĐTĐH phải có hội đồng trường theo đúng quy định pháp luật, không nên hiểu cực đoan là có Đảng ủy rồi thì không cần có hội đồng trường. Bên cạnh đó, một số hiệu trưởng không muốn bớt quyền, không muốn chuyển giao quyền lực cho hội đồng trường, muốn tiếp tục kiêm bí thư Đảng ủy trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ luôn xác định công cuộc đổi mới giáo dục là dài hơi, khi có các ý kiến khác nhau thì cùng bày tỏ trên tinh thần cầu thị, Chính phủ sẽ chắt lọc và khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hành lang pháp lý, cơ chế giám sát cho phù hợp, qua đó tổ chức thực hiện để thúc đẩy GDĐH phát triển mạnh mẽ.
Tự quyết định giá dịch vụ đào tạo
Để tự chủ tài chính tại các CSĐTĐH thực sự phát huy được vai trò, ông Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, kiến nghị Chính phủ, các bộ - ngành một số vấn đề gồm: Cho phép các CSĐT được quyết định giá dịch vụ đào tạo (học phí) trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết theo khung giá do cấp có thẩm quyền ban hành; được quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao và được huy động vốn cho đầu tư qua góp vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo...
Bình luận (0)