Nhà rường là một bộ phận quan trọng làm nên nhà vườn đặc trưng xứ Huế, mang giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử đặc sắc. TS Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng nếu có một ngày nào đó nhà rường Huế biến mất thì đồng nghĩa với việc thành phố vườn sẽ mất đi. Huế không còn là Huế nữa.
Ngày nay, dưới sự tác động của đô thị hóa, gia tăng dân số, nhu cầu nhà ở mới phát sinh, thời tiết cũng như các mặt hạn chế trong việc thực thi công tác bảo vệ, quản lý đã đưa đến hệ quả nhiều nhà rường truyền thống Huế đã và đang bị biến đổi, suy giảm một cách nhanh chóng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn, một số không nhỏ khác bị "chia năm xẻ bảy", thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường đã xuất hiện những công trình hiện đại, một số còn khá nguyên vẹn lại đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa và nền kinh tế thị trường.
Một ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích được trùng tu
Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" giai đoạn 2015 - 2020 đã bố trí gần 30 tỉ đồng để trùng tu các khu nhà rường. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm nhà rường Huế gắn với bảo tồn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tại hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế" vừa mới được tổ chức, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định thương hiệu nhà rường Huế chưa được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế kêu gọi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ nhân… hiến kế để giúp tỉnh xây dựng nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất cố đô và là thương hiệu gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó cần hỗ trợ một số chính sách bảo đảm cho nhà rường Huế phát triển, xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch cũng như đưa các mô hình nhà rường có thể thương mại hóa, đưa sản phẩm nhà rường Huế ra thị trường.
Một ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích được trùng tu
TS-KTS Nguyễn Ngọc Tùng, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, cho rằng cần lập bản đồ nhà vườn truyền thống Huế và các công trình di tích khác. "Các thông tin như vị trí tọa lạc, lịch sử xây dựng, tình trạng ngôi nhà, cùng các hình ảnh và các thông tin khác được thể hiện trên bản đồ này sẽ giúp chúng ta quảng bá hình ảnh nhà vườn truyền thống đến du khách. Bên cạnh cần có các món quà lưu niệm là mô hình lắp ghép nhà rường, số hóa VR/AR các nhà rường truyền thống tiêu biểu, có giá trị cao. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu cần thiết để ghi lại, phục vụ cho công tác bảo tồn và du lịch trải nghiệm" - ông Tùng đề xuất.
Bình luận (0)