Chiều 25 Tết (ngày 10-2) đường phố Sài Gòn đã vắng đi nhiều vì nhiều người đã tranh thủ về quê. Lúc này, vơi bớt công việc bận rộn, du khách đến một điểm đến không thể bỏ qua để nhớ về Tết xưa, với cảnh xuồng ghe tấp nập chở bông trái lên bán cho dân "Sì Gòn", làm rộn ràng sắc xuân.
"Trên bến, dưới thuyền" dần mất đi
Hay tin chợ hoa Bến Bình Đông (quận 8) đã hoạt động nhiều ngày nên tôi náo nức rủ bạn lên xem, vừa để ngắm cảnh, vừa lựa những chậu hoa đẹp để chưng Tết.
Dù đang vào đợt cao điểm mua bán dịp Tết nhưng tàu ghe khá thưa thớt. Đi dọc kênh Tàu Hủ chỉ có khoảng 30 chiếc ghe từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn để bán hoa. Người mua cũng vắng. Vài chủ thuyền nằm vắt chân trên những chiếc ghế bố bấm điện thoại một cách thảnh thơi. Dường như không khí nơi đây khá trầm lặng. Đi dọc tuyến đường này du khách sẽ khó chịu vì dòng nước trên kênh trước xanh ngắt nay ngã sang một màu đen xì, mùi hôi xộc lên mũi.
Bến Bình Đông năm nay vắng thuyền hoa khiến không khí ảm đạm.
Năm nay thuyền về Bến Bình Đông không nhiều như mọi năm, khung cảnh đượm buồn
Trong lúc đang chụp bức ảnh một anh thương hồ khuân chậu cúc lên bờ, tôi được một đôi vợ chồng già đến nhờ chụp giúp tấm hình. Qua trò chuyện, ông Trần Văn Sáu (72 tuổi, Việt kiều Mỹ) kể vừa mới về Việt Nam ăn Tết.
Ông Sáu hồi tưởng gần 20 năm trước, ông cũng cùng vợ tới nơi đây. Nhưng năm đó, đại lộ Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt) chưa được mở, cảnh tượng nơi đây rộn ràng, náo nhiệt. "Lúc đó, tiếng kêu nhau í ới. Người mua kẻ bán nườm nượp, hoa cảnh cũng rất đặc sắc. Dòng người đi mua sắm, tham quan lại đông nên nhiều chỗ kẹt cứng".
Nhìn lại cảnh nay, ông Sáu thở dài: "Chỉ còn vài ghe thuyền. Buồn quá đi! Chú chụp thêm cho vợ chồng tôi ít tấm hình.. Để mai sau này còn có cái lưu trữ cảnh đẹp Bến Bình Đông, để mà nhớ".
Hoài niệm cảnh xưa
Ông Sáu kể ở Sài Gòn mỗi dịp Tết về hầu như quận, huyện nào cũng có hội hoa xuân. Tuy nhiên, chẳng nơi nào có cái hồn cuốn hút như ở Bến Bình Đông. Thế nhưng đợt đi lần này ông cảm thấy hụt hẫng.
"Lúc nhỏ và lần đi gần đây nhất, tôi thấy nơi đây vừa xôn xao vừa rạo rực. Nhưng giờ thì buồn lắm"- ông Sáu tiếc nuối.
Bà Ngọc (quê Bến Tre) thương lái bán hoa 20 năm tại bến Bình Đông, buồn bã nhận xét: "Tết năm ngoái rất ít người mua hoa nên bà con dưới tỉnh không mang lên đây để bán nữa. Chưa kể, năm qua thiên tai nhiều nên không khí bến đìu hiu".
Năm nay, người đến Bến Bình Đông không nhiều như mọi năm.
Vài người đến nhìn ngắm những chậu cây rồi bỏ đi.
Nghe ông Sáu nhắc xưa, nói nay, tôi bất giác nhìn ra phía dãy nhà màu vàng bên hông chợ hoa và nhận thấy vẫn còn một kho cổ, với hệ thống ống hút vận chuyển gạo được xây giữa lòng kênh. Nghe đâu đây là một trong những công trình cổ hiếm hoi ở Bến Bình Đông còn tồn tại hàng trăm năm qua.
Trên bờ kênh này, khó có thể hình dung được thuở xưa nơi đây là nơi đô hội bậc nhất khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn với hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ, thay phiên nhau chở lúa gạo lên và "ăn hàng" từ Sài Gòn về lục tỉnh liên tục ngày đêm.
Trong một cuốn sách của nhà văn Sơn Nam có kể khu Bến Bình Đông được bắt đầu từ cầu Chà Và (quận 5 nối quận 8) kéo dài đến đình Bình An. Một bên bờ là dãy nhà kho gạo, đối diện chúng là khu nhà máy xay xát.
Chủ thuyền ngoài việc bán hoa mai còn kinh doanh luôn dịch vụ cho thuê cây cảnh
Trước khi đến đây, tôi từng đọc đâu đó, có một người mô tả cảnh nơi đây: "Thuyền ghe có khi không còn chỗ cập bờ, thế là hàng hoá phải chuyển từ thuyền này sang thuyền khác. Dù "mượn" nhau để lên bờ nhưng chẳng ai phàn nàn. Nơi đây cũng từng chứng kiến thời hưng thịnh nhất trong giai đoạn xuất khẩu lúa gạo khu Sài Gòn - Chợ Lớn".
Cảnh xưa giờ không còn nữa. Tôi cũng như ông Sáu, bà Ngọc chỉ mong những năm tới chính quyền phục dựng lại và tổ chức khu vực này thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Để những cái Tết Sài Gòn xưa không chỉ là hoài niệm đầy tiếc nuối về cái thời cha ông đi mở cõi, với xuồng ghe tấp nập, thương hồ nghêu ngao hát và vác hàng chạy ầm ầm trên các bến mỗi khi xuân về. Khi Sài Gòn còn là Bến Nghé xưa...
Bình luận (0)