Tại hội thảo tìm cách giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) tổ chức mới đây, ngoài những giải pháp tình thế, các chuyên gia, nhà khoa học còn nêu nhiều quan điểm và định hướng lâu dài. Bởi lẽ, TSN vẫn đóng vai trò lớn khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Thay đổi khái niệm về sân bay
ThS Cao Ngọc Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng xung quanh chuyện giải quyết ách tắc khu vực sân bay TSN đã có rất nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, hầu hết các đề xuất đều xuất phát từ tư duy làm thế nào để "cải thiện" chứ không phải là "cải tiến" hay "thay đổi". Vấn đề này đã gây cản trở rất nhiều đối với việc hình thành các chính sách đủ lớn, phù hợp nhằm khơi thông tắc nghẽn cho khu vực sân bay TSN.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải từ trong ra ngoài
Ông Thành đánh giá hiện trạng và các đặc điểm ở khu vực sân bay TSN vẫn mang đặc tính chung và chỉ là một trong những mối quan tâm trong việc phát triển của quận Tân Bình, bao gồm cả chính sách đầu tư, quy hoạch... Điều đó làm cho các biện pháp đề ra không hiệu quả, không tạo sự đột phá để phát triển sân bay TSN, thậm chí còn tác động tiêu cực đến tình trạng ách tắc giao thông tại đây.
Vì vậy, theo ông Thành, nếu có thể hình thành khu vực sân bay TSN như một vùng lãnh thổ với các đặc điểm về sức ảnh hưởng, khả năng tác động đối với TP HCM thì mới đánh giá được sự cần thiết phải có những chính sách riêng biệt cho khu vực này. Những chính sách mới sẽ mang tính độc lập với mục tiêu được hình thành rõ ràng, thoát khỏi sự ràng buộc trong tương quan so sánh với những khu vực khác trên địa bàn TP.
Từ vấn đề trên, ông Thành đề xuất nên hình thành "trung tâm hoạt động hàng không sân bay TSN" - khái niệm mới đối với sân bay này, từ đó có cách tiếp cận và tư duy mới để có thể tạo chuyển biến trong việc "giải kẹt" cho sân bay. Theo ông Thành, các chính sách mới có thể bao gồm đất đai, thuế và đặc biệt là quy hoạch phát triển cho "vùng lãnh thổ" sân bay này phát triển đủ lớn, khơi thông sự tắc nghẽn hiện nay. Ông Thành cho rằng trong giai đoạn trước mắt, định hình trung tâm này dễ dàng hơn việc hoàn thiện các tuyến đường vành đai sân bay.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng không nên xem chỉ sân bay TSN là nơi vận chuyển hành khách mà phải nhìn nhận đến sự tác động đối với TP, bao gồm cả về kinh tế - xã hội và quan trọng là mở các hướng kết nối với các khu vực miền Đông, miền Tây... Từ cách nhìn này mới có thể định hướng được vấn đề mới trong quy hoạch, giải quyết căn cơ những tồn tại hiện nay ở sân bay TSN.
Ưu tiên giao thông công cộng
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc ở sân bay TSN hiện nay là khu vực này hầu như chưa có sự kết nối với giao thông công cộng. TSN hiện chỉ có 2 tuyến xe buýt nhưng việc kết nối với mạng lưới giao thông công cộng chung ở TP lại quá hạn chế.
Ông Hoàng đưa ra giải pháp ngoài việc xây nhà ga T3 để mở rộng sân bay, TP HCM nhất thiết phải tăng cường đầu tư hệ thống giao thông công cộng tại đây, cụ thể là xây dựng hệ thống monorail (tàu điện) xung quanh. Lý do là tàu điện phù hợp với khoảng cách ngắn, không sử dụng quá nhiều diện tích đất và chi phí đầu tư cũng không nhiều nên sẽ rất hiệu quả trong bối cảnh chưa hoàn thiện các tuyến đường vành đai.
"Chúng ta có xây nhiều đường cũng sẽ không bao giờ đủ nếu không có biện pháp hạn chế xe cá nhân và phát triển hệ thống giao thông công cộng ở khu vực này" - ông Hoàng nhìn nhận.
Ông Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, phải hạn chế tối đa lượng xe cá nhân lưu thông qua khu vực TSN, đặc biệt là những phương tiện "quá cảnh", không vào sân bay; song song đó là đầu tư cho giao thông công cộng.
Ông Thành cho rằng trong "hoàn cảnh đặc biệt", có thể tạm thời áp dụng những giải pháp cực đoan, như xây dựng bãi giữ xe xa hơn cho cả khu vực nhằm hạn chế xe cá nhân ra vào sân bay, thậm chí có thể cấm tất cả phương tiện cá nhân, kể cả ô tô, cùng việc khống chế số lượng taxi ra vào sân bay để hạn chế ùn tắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phải tăng cường tối đa xe buýt để thay thế xe máy, ô tô cá nhân. Xe buýt phải có các trạm kết nối với mạng lưới bên ngoài cùng bến bãi taxi. Tần suất các tuyến xe cũng phù hợp với thời gian các chuyến bay đi và đến...
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng TP HCM không nên mở thêm đường bởi chỉ khuyến khích các loại phương tiện cá nhân phát triển mà cần ưu tiên hàng đầu cho hệ thống giao thông công cộng cùng các giải pháp tích hợp công nghệ. Chẳng hạn, có thể thực hiện các giải pháp phi công trình như tạo vành đai số, kiểm soát tự động lượng phương tiện ra vào vành đai trên hệ thống điện tử, từ đó điều tiết theo thời gian thực... Ngoài ra, cũng có thể xây dựng các kịch bản giao thông trong và ngoài sân bay TSN để chủ động điều tiết trên nền tảng công nghệ.
Thông xe thêm một nhánh cầu vượt cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 - Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết sáng 16-11, nhánh cầu vượt thép Nguyễn Kiệm (phía Bệnh viện Quân y 175) - đường Hoàng Minh Giám (thuộc dự án cầu vượt thép vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm) được thông xe. Nhánh cầu vượt này dài 367,7 m, rộng 7,5 m, thi công 2 tháng rưỡi.
Theo ông Trịnh Linh Phương, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3, trước đó, ngày 3-7, nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn cũng đã thông xe. Sau khi đưa vào sử dụng, 2 nhánh cầu này sẽ góp phần giải quyết bài toán kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Cầu vượt thép tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm có dạng hình chữ N, gồm 3 nhánh. Ngoài 2 nhánh cầu trên, hiện nhánh Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định - Nguyễn Thái Sơn) đang được UBND quận Gò Vấp gấp rút giải phóng mặt bằng để sớm khởi công. T.ĐỒNG
Bình luận (0)