Chiều 21-2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác Thường trực UBND TP, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng các nhà thầu đã đi khảo sát tình hình thi công tại các hạng mục ga Nhà hát TP, ga Ba Son, đường hầm metro và ga Phước Long của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Kiểm tra từng hạng mục
Đi bộ xuyên đường hầm dài 781 m nối liền giữa nhà ga Ba Son và ga Nhà hát TP (quận 1), lãnh đạo TP kiểm tra từng hạng mục nhỏ, có sự thuyết minh của kỹ sư công trình. Tại khu vực này, 2 nhánh đường hầm được khoan bởi công nghệ khoan ngầm bằng robot TBM của Nhật Bản, hiện đã cơ bản hoàn thiện phần kết cấu và thông tuyến. Còn tại nhà ga nổi Phước Long (quận Thủ Đức), lãnh đạo TP cũng thị sát kỹ lưỡng việc thi công, hàn ray ở công trường.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác thị sát tình hình thi công tuyến metro số 1 chiều 21-2
Báo cáo nhanh với lãnh đạo TP, nhiều đơn vị liên quan của dự án này như tư vấn chung của dự án (Liên danh NJPT), JICA, các nhà thầu…, dù bày tỏ vui mừng trước những tín hiệu tích cực gần đây nhưng tình hình hiện vẫn bị đánh giá là nhiều khó khăn. Trong đó, các vấn đề chủ yếu liên quan đến việc thanh toán, gia hạn hợp đồng…
Những khó khăn trên xuất phát chủ yếu từ nguồn vốn và việc chờ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Lý do là ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư 17.388 tỉ đồng, được UBND TP phê duyệt năm 2009. Vào thời điểm đó, dự án thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tư vấn chung của dự án sau đó tính toán và xác định lại, nâng tổng mức đầu tư là 47.325 tỉ đồng. Sau khi lấy ý kiến các bộ - ngành, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8-2011, tổng mức đầu tư mới là hơn 47.325,2 tỉ đồng. Lúc này, dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là nút thắt lớn nhất khiến dự án gặp nhiều khó khăn và trong giai đoạn 2017-2018 đã xảy ra tình trạng nợ nhà thầu thi công, dẫn đến tiến độ chậm. UBND TP HCM sau đó đã nhiều lần phải tạm ứng vốn từ ngân sách để thanh toán cho các nhà thầu.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP HCM, đánh giá những khó khăn nêu trên khiến khối lượng thi công của dự án trong năm 2018 không đạt được mục tiêu đặt ra. Cụ thể, toàn tuyến phải đạt 65% khối lượng, trong khi thực tế chỉ đạt 62%. Năm 2019, mục tiêu đặt ra của tuyến metro số 1 là phải thực hiện được 18% khối lượng công việc, nâng tiến độ chung của dự án lên 80% và về đích vào năm 2020.
Những chỉ đạo cấp bách
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án metro số 1 vẫn là việc chờ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, các vướng mắc của dự án đang được tập trung tháo gỡ, trong đó bao gồm cả những vấn đề về pháp lý, kế hoạch vốn… nên Chủ tịch UBND TP tin tưởng dự án sẽ hoàn thành tiến độ vào năm 2020. "Tuyến metro số 1 là dự án đầu tiên của mạng lưới 8 tuyến metro tại TP HCM được triển khai xây dựng theo quy hoạch nhằm giải quyết ùn tắc và phát triển giao thông tại cửa ngõ Đông Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Đây không chỉ là công trình trọng điểm, đặc biệt quan trọng của TP mà còn là biểu tượng cho sự hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vì vậy, lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm và luôn chỉ đạo sâu sát đối với dự án này" - ông Phong nhấn mạnh.
Với tình hình hiện nay, Chủ tịch UBND TP khẳng định trong thời gian chờ phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án, TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trung ương tìm kiếm nguồn vốn bổ sung để thanh toán cho các nhà thầu và chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tư pháp hỗ trợ BQLĐSĐT các thủ tục pháp lý như điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Còn đối với Sở Tài chính, ông Phong chỉ đạo xem xét, tham mưu và đề xuất UBND TP giải pháp để giải ngân cho các nhà thầu; cơ chế tiền lương cho cán bộ, viên chức, người lao động của BQLĐSĐT. Các sở: Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng có nhiệm vụ hỗ trợ giải quyết việc thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án theo đúng quy định. "Lãnh đạo TP sẽ định kỳ theo dõi, nắm bắt tiến độ và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc của dự án trong thời gian sớm nhất" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Vốn năm 2019 cho metro số 1 là 9.502 tỉ đồng
Theo BQLĐSĐT TP HCM, nhu cầu vốn ODA dự kiến cấp phát năm 2019 cho dự án metro số 1 là 7.257 tỉ đồng, cộng với việc thanh toán khối lượng thực hiện năm 2018 chuyển sang thanh toán năm 2019 là 2.245 tỉ đồng, nâng tổng nhu cầu vốn năm 2019 cho dự án này là 9.502 tỉ đồng. UBND TP vừa phê duyệt tạm ứng vốn đợt 1 năm 2019 để giải ngân cho các nhà thầu gần 2.200 tỉ đồng. Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư, BQLĐSĐT sẽ tham mưu UBND TP đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vốn để hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TP theo quy định.
Bình luận (0)