Hàng trăm con nợ điêu đứng do bị "sập bẫy" lừa đảo của những nhóm vay nặng lãi. Nhiều nạn nhân và các ngành chức năng đưa ra lời khuyên với người dân là không nên dính vào các tổ chức này để tránh chuốc họa vào thân.
Lãi suất 60%/tháng
Dù sự việc đã xảy ra nhiều tháng nhưng đến giờ bà Nguyễn Thị B. (ngụ phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) vẫn còn ám ảnh cảnh phải chạy đôn chạy đáo lo tiền trả lãi cho băng nhóm tín dụng đen để tránh bị "khủng bố" tinh thần. Bà B. kể: "Do cần gấp tiền để trang trải việc nhà, tôi đã vay 3 triệu đồng từ một tín dụng đen nhưng chậm trả lãi vài ngày thì liên tục bị nhóm này điện thoại nhắc nợ và cảnh cáo bằng cách tạt nước sơn vào nhà rất ghê sợ. Từ nay tới chết, tôi cũng không dám đụng vào tín dụng đen".
Chị Nguyễn Thị M. - nạn nhân từng "sập bẫy" một nhóm cho vay nặng lãi ở Vĩnh Long - cũng khuyên: "Nói thiệt, giờ có cho vay lãi suất thấp tôi cũng không dám "dính" vào các băng nhóm cho vay nóng. Dù có túng quẫn đến mấy, bà con nên làm đúng thủ tục để được vay ở các tổ chức tín dụng uy tín. Thà chậm đôi chút còn hơn rước họa vào thân". Theo sinh viên tên T. của một trường đại học tại Cần Thơ, vay chỗ tín dụng đen tuy thủ tục nhanh nhưng khi thu tiền, nếu chậm vài ngày là họ cho người dùng đủ cách đe dọa, gây áp lực để buộc người vay phải trả. "Các bạn sinh viên không nên sa vào những trò chơi đỏ đen để sập bẫy mà tiêu tan việc học" - anh T. đúc kết.
Theo ông Lương Xuân Bá, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Kiên Giang, mức lãi suất của các tổ chức tín dụng đen mà những nạn nhân trình báo gấp chục lần lãi suất của các ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng uy tín. "Vì vậy, khi người dân chấp nhận vay thì đa phần là không có khả năng trả lãi do lãi mẹ đẻ lãi con" - ông Bá nói.
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết xử lý các trường hợp này phải có đủ nhân chứng, vật chứng, các giấy tờ vay ghi rõ mức lãi suất… nên không dễ chút nào. "Theo quy định, nếu cá nhân, tổ chức cho vay vượt quá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định đều vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang triển khai cho các cán bộ công an cơ sở kiểm tra, xác định những trường hợp cụ thể" - thượng tá Kỳ cho biết.
Công an TP Cần Thơ vừa tổ chức sơ kết 20 ngày đầu thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về cho vay nặng lãi, đòi nợ, xiết nợ theo kiểu xã hội đen trên địa bàn TP. Theo đó, qua thống kê, bước đầu xác định trên địa bàn TP có hàng trăm người dân vay của các nhóm đối tượng với lãi suất phổ biến từ 10%-20%, có trường hợp đến 60%/tháng.
Tổng số tiền vay lên đến hàng tỉ đồng. Qua kiểm tra hành chính tại nơi ở trọ, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng chủ yếu đến từ phía Bắc vào TP Cần Thơ tổ chức hoạt động cho vay. Lực lượng công an đã thu giữ hàng trăm hồ sơ vay tiền, hơn 1.300 tờ rơi, 1.000 danh thiếp quảng cáo cho vay, hàng chục biên nhận nợ, danh sách cho vay, sổ hộ khẩu, CMND… của người vay tiền.
Bà Nguyễn Thị B. - một trong những người từng "sập bẫy" tín dụng đen. Ảnh: THỐT NỐT
Phải nắm rõ điều khoản vay
Theo luật sư Trần Văn Độ, Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân (tỉnh Hậu Giang), khi vay tiền theo kiểu tín chấp, người vay chỉ mong có tiền nhanh mà chưa thật sự quan tâm đến những điều khoản trong hợp đồng, nhất là ở mức lãi suất vay, bảo hiểm tiền vay và trường hợp bị phạt nếu trả chậm. Bởi lẽ, trường hợp người dân không trả kịp tiền lãi thì tiền phạt lên rất cao, có khi trả dứt khoản nợ này, phải tốn gấp đôi khoản tiền vay. "Nếu bắt buộc phải vay thì cần tính toán kỹ điều kiện chi trả của gia đình để tránh rất khó khăn về sau" - luật sư Độ khuyên.
Còn theo luật sư Trương Ngọc Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngọc Sơn (TP Cần Thơ), những chiêu trò giăng bẫy lừa người vay nóng có ở khắp nơi, người vay cần cẩn trọng khi có nhu cầu. "Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên cảnh báo về một số tổ chức hoạt động phi pháp, núp bóng các công ty cho vay tài chính. Do đó, người vay cần tìm hiểu thật kỹ thông tin địa chỉ, việc cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình" - luật sư Sơn tư vấn.
Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, đề nghị người dân mạnh dạn tố giác các tổ chức cho vay nặng lãi cho lực lượng công an để có biện pháp xử lý kịp thời. "Hiện nay, các quỹ tín dụng hoặc ngân hàng đã thực hiện đơn giản hóa về mặt thủ tục nên bà con hãy đến những đơn vị này để được bảo đảm quyền lợi khi tham gia vay vốn làm ăn" - đại tá Tín khuyến cáo.
Kiện ra tòa nếu lãi suất vượt 20%/năm
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết đối chiếu với quy định pháp luật, các trường hợp thỏa thuận lãi suất không được quá 20%/năm. Lãi suất đến 20%-35%/tháng mà các cá nhân cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật sư Nguyễn Tường Linh, Văn phòng Luật sư Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), cho biết trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định là 20%/năm. Các nạn nhân có thể kiện ra tòa nếu bị áp lãi suất trên 20%/năm, tòa có thể sẽ tuyên hủy hợp đồng cho vay đó vì vi phạm pháp luật. Còn để xử lý hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi, theo luật sư Linh, phải đủ 2 điều kiện là vượt quá 10 lần lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và có tính thường xuyên, liên tục.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-5
Kỳ tới: Điểm tựa của người khát vốn
Bình luận (0)