Tham gia tọa đàm, anh B.V.H cho biết đến nay gia đình anh đã tan nát, các con luôn sống trong hoang mang, lo lắng.
Uất nghẹn vì "tín dụng đen"
Tháng 8-2019, vợ anh chơi số đề, vay 4 tỉ đồng của nhiều người với lãi suất cao, anh đã phải bán nhà để trả nợ cho vợ. Ngày 24-12-2020, vợ anh bỏ nhà đi, nhiều nhóm "tín dụng đen" (TDĐ) và người ghi đề đã tìm đến đòi nợ. Khuya 27-12-2020, căn nhà thuê ở quận Bình Tân, TP HCM của anh bị tạt sơn, anh gửi đơn cầu cứu đến công an thì một số đối tượng đến nhà anh thách thức: "Công an không can thiệp đâu". Trưa 12-1-2021, nhà anh lại bị tạt sơn lần 2 và bị ném đá vào nhà khiến cửa kính vỡ. "Tôi đã gửi đơn cầu cứu lần 2 nhờ công an can thiệp. Từ đó đến nay, không đêm nào tôi ngủ được vì cứ phập phồng lo sợ" - anh H. nghẹn ngào.
Còn chị T.L (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) uất nghẹn kể về nỗi khổ trong suốt 1 năm qua vì vướng TDĐ.
Quang cảnh buổi tọa đàm Ảnh: TẤN THẠNH
Biết chị L. có tiền và có quan hệ làm ăn với đối tác, năm 2019, một nhóm người đã rủ chị góp vốn đáo hạn thẻ tín dụng không thông qua hệ thống ngân hàng với lãi suất từ 1,5% - 1,75%/ngày. Thời gian làm ăn chung, chị L. đều thanh toán tiền lãi và gốc theo tiến độ cho nhóm người này. Gần đây, do làm ăn không thuận lợi, chị L. không có khả năng trả tiền lãi suất thì họ đến đe dọa. Một số người làm hợp đồng giả cách căn nhà gia đình chị đang ở (giấy tờ gốc đã thế chấp ở ngân hàng) ép chị vay 600 triệu đồng để trả nợ, sau đó viết giấy nợ lên đến 3 tỉ đồng và dùng làm căn cứ tố cáo chị lừa đảo.
"Liên tục bị khủng bố tinh thần, tôi phải đi trốn. Tôi đã làm đơn cầu cứu gửi Bộ Công an, Công an TP HCM và các cơ quan chức năng khác nhưng cả năm nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Thông qua buổi tọa đàm, tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xử lý để tôi được về sống yên ổn với gia đình" - chị L. mong mỏi.
Thủ đoạn tinh vi, nhiều hệ lụy
Câu chuyện của anh B.V.H và chị T.L đã khiến cả hội trường xúc động. Thế nhưng, họ chỉ là 2 nạn nhân may mắn có mặt tham gia tọa đàm để chia sẻ, nói lên nguyện vọng của mình. Thực tế, có hàng trăm ngàn nạn nhân đang âm thầm cắn răng chịu đựng trong vòng xoáy TDĐ mà họ lỡ vướng vào và chưa biết ngày nào được thoát ra.
Theo thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM, thời gian qua tại TP HCM, hoạt động cho vay lãi nặng, TDĐ và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe... Các nhóm đối tượng thường núp bóng doanh nghiệp, tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, thậm chí trốn truy nã.
"Thời gian qua, Công an TP HCM đã có nhiều giải pháp, khuyến cáo đến người dân về hoạt động TDĐ thông qua việc tuyên truyền về hệ lụy, hậu quả khi dính đến TDĐ; cảnh giác các chiêu trò, không tiếp cận các ứng dụng cho vay mà hãy tiếp cận các nguồn vay chính thống. Công an TP HCM cũng đã khuyến cáo, lên kế hoạch rà soát các công ty có hoạt động tín dụng trên địa bàn TP, các công ty đòi nợ thuê; phối hợp với công an quận, huyện kiểm tra các tiệm cầm đồ, những khu dân cư, chung cư có khả năng các băng nhóm thuê làm nơi cư ngụ…" - thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cho biết.
Với trường hợp của anh B.V.H và chị T.L, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng khẳng định sẽ báo cáo lãnh đạo Công an TP HCM, sớm nắm thông tin để có hướng xử lý.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh cho vay lãi nặng
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, để hạn chế, đẩy lùi hoạt động TDĐ, cần tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng, nhất là vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình cá nhân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kiểm soát tốt hoạt động của hệ thống tài chính, kể cả hệ thống tài chính ngầm. Tăng cường trách nhiệm từng tổ chức tín dụng trong việc xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho TDĐ.
"Ngoài ra, cần tăng cường khả năng phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi kinh doanh phi pháp; tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và trừng phạt hoạt động TDĐ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội... Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay. Cùng với đó, nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, ban hành các điều khoản, chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng huy động và cho vay TDĐ" - LS Nguyễn Văn Hậu nói.
Còn LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng theo điều 201 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được cụ thể hóa tại Công văn 212 (năm 2019) của TAND Tối cao giải đáp về việc xét xử đối với tội danh này, Công văn 4688 (năm 2020) của VKSND Tối cao thống nhất quan điểm của TAND Tối cao tại Công văn 212.
Theo đó, việc xử lý hình sự các đối tượng cho vay lãi nặng khi có hành vi cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ Luật Dân sự và thực tế đã thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì mới thỏa mãn dấu hiệu tội danh được quy định tại điều 201 Bộ Luật Hình sự. Nếu đối tượng cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ Luật Dân sự nhưng thực tế chưa thu lợi bất chính số tiền từ 30 triệu đồng trở lên thì không xử lý hình sự.
"Trên thực tế, các đối tượng cho vay lãi nặng khi cho vay thường không ký hợp đồng vay tiền mà buộc người đi vay ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền cho người của họ được quyền ký chuyển nhượng tài sản với bên thứ ba. Cũng có trường hợp ký hợp đồng cho vay nhưng không ghi mức lãi suất hoặc bên cho vay thu tiền lãi được thu một lần tại thời điểm cho vay và chỉ thể hiện số tiền người vay nhận theo số tiền vay gốc để che giấu lãi suất. Vì vậy, kiến nghị các cơ quan tố tụng ở trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu lại hướng dẫn này để bảo đảm việc xử lý tội phạm về hoạt động cho vay lãi nặng được kịp thời, nghiêm minh. Ngoài ra, với các trường hợp cho vay nhưng ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng ủy quyền cho chuyển nhượng, sau đó tiếp tục chuyển nhượng lòng vòng thì TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể hơn, thống nhất về đường lối giải quyết án trong toàn ngành" - LS Nguyễn Văn Đức kiến nghị.
Bình luận (0)