Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có văn bản phê bình chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc giải quyết tố cáo của Công ty CP Ðầu tư - Xây dựng - Thương mại Minh Thắng Bạc Liêu (gọi tắt là Công ty Minh Thắng Bạc Liêu).
Không dẹp chợ tạm, gây thiệt hại
Công ty Minh Thắng Bạc Liêu là chủ đầu tư dự án chợ Bạc Liêu. Chợ này đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 5-2015 nhưng không hiệu quả. Cho rằng lãnh đạo khóa trước của UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký cam kết với doanh nghiệp mà lãnh đạo UBND tỉnh khóa hiện tại không thực hiện nên nhà đầu tư đã tố cáo.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra, xác minh làm rõ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-2-2017. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần có văn bản đôn đốc nhưng đến nay, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa báo cáo kết quả.
Chợ trung tâm Bạc Liêu chỉ mới khai thác được 30% công năng sau hơn 3 năm hoạt động
Do không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phê bình chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; đồng thời giao Tổng Thanh tra Chính phủ xác minh, làm rõ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-3-2018.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Minh Thắng Bạc Liêu tố cáo nhiều nội dung, trong đó có các nội dung thể hiện trong Công văn 5028/UBND-KT ngày 6-12-2013 của chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Văn bản này ghi rõ: "Khi chợ Bạc Liêu hoàn thành và đưa vào sử dụng thì chợ tạm Trần Huỳnh sẽ chính thức phải đóng cửa và chấm dứt hoạt động". Thế nhưng, từ khi chợ Bạc Liêu đưa vào sử dụng đến nay, chợ Trần Huỳnh (cũng do công ty xây tạm) vẫn chưa chấm dứt hoạt động, dẫn đến tiểu thương không chịu di dời, chiếm dụng tài sản và gây thiệt hại cho công ty.
Cũng vì lý do trên, đến nay, chợ Bạc Liêu chỉ mới lấp đầy khoảng 30% diện tích kinh doanh. Trong khi đó, vào đầu năm 2016, chính quyền lại sắp xếp cho khoảng 100 hộ tiểu thương về buôn bán tại khu vực dọc bờ kè Điện Biên Phủ, sát với chợ A - Bạc Liêu. Ngoài ra, phía tỉnh đang cho xây thêm khu chợ B từ vốn ngân sách, nằm cách khu chợ A chỉ khoảng 100 m. Công ty Minh Thắng Bạc Liêu cho rằng nếu chợ B đi vào hoạt động sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh do 2 chợ quá gần nhau.
Nhiều vướng mắc
Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, mãi đến hôm qua (14-11), chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mới có báo cáo giải trình với Chính phủ về nội dung tố cáo của Công ty Minh Thắng Bạc Liêu.
Báo cáo khẳng định ngay sau khi nhận được tố cáo của Công ty Minh Thắng Bạc Liêu (theo đơn đề ngày 10-11-2016), lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức họp, mời đại diện chủ đầu tư đến đối thoại. Đến ngày 21-12-2016, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Thông báo số 135/TB-UBND, giải thích rõ quan điểm đối với từng nội dung phản ánh, kiến nghị của công ty.
Theo đó, về yêu cầu đóng cửa chợ tạm Trần Huỳnh, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng Công văn số 5028/UBND-KT ngày 6-12-2013 của UBND tỉnh Bạc Liêu không có nội dung cam kết chấm dứt hoạt động, đóng cửa chợ tạm này như đơn tố cáo của Công ty Minh Thắng Bạc Liêu. Còn về việc các hộ tiểu thương không chấp thuận di dời từ chợ tạm Trần Huỳnh về chợ Bạc Liêu là do giá cho thuê cao, kinh doanh trên tầng lầu khó khăn. Bên cạnh đó, do khu chợ B đang xây dựng dẫn đến chưa có chỗ bố trí cho số tiểu thương này. Vì lý do trên, UBND tỉnh Bạc Liêu chưa thể quyết định chấm dứt, đóng cửa chợ tạm Trần Huỳnh.
"Công ty Minh Thắng Bạc Liêu cũng có lỗi trong việc thi công chậm trễ tiến độ công trình chợ A đến 18 tháng so với tiến độ đăng ký ban đầu đã công bố với tiểu thương. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc xử lý các vấn đề khác như: gây bức xúc trong tiểu thương; tăng thêm phí tại chợ tạm Trần Huỳnh do kéo dài thời gian thu phí; tăng thêm phí tại chợ A do trượt giá trong thời gian thi công và cộng dồn lãi suất. Hơn nữa, các phương án tính giá cho thuê của Công ty Minh Thắng Bạc Liêu (3 phương án đều thu một lần cho cả chu kỳ thuê 15-20 năm), có số tiền đóng ban đầu cao, Công ty Minh Thắng Bạc Liêu lại không đưa ra được các phương án khác linh hoạt hơn. Tất cả tạo nên nhiều vướng mắc rất khó có thể giải quyết ổn thỏa, bảo đảm đạt yêu cầu, mong muốn của tất cả các bên" - báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu nêu.
Chính quyền cạnh tranh với nhà đầu tư
Công ty Minh Thắng Bạc Liêu cho rằng thời gian qua, chính quyền tỉnh Bạc Liêu có dấu hiệu cạnh tranh với công ty vì khi công ty xây chợ tới đâu thì chính quyền lại bỏ tiền ngân sách ra xây chợ gần bên. Chẳng hạn, khi công ty xây dựng chợ Cầu Xáng thì TP Bạc Liêu cho tráng xi măng khu đất trống chỉ cách chợ Cầu Xáng khoảng hơn 100 m để cho các hộ tiểu thương vào buôn bán. Khi công ty xây dựng chợ tạm Trần Huỳnh, chính quyền tỉnh Bạc Liêu xây dựng chợ Xóm Mới B chỉ cách chợ tạm này khoảng 1 km. Lúc công ty đưa chợ A vào hoạt động thì chính quyền lại cho dời tiểu thương về dọc bờ kè Điện Biên Phủ...
Bình luận (0)