Ngày 17-8, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng đại diện một số bộ ngành Trung ương đã có buổi đối thoại với hơn 1.000 người nhận khoán của Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi (Công ty Thắng Lợi, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Hơn 1.000 người nhận khoán tới tham dự buổi đối thoại
Tham gia buổi đối thoại còn có ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương, Thanh tra Chính Phủ; đại diện các bộ, ngành Trung ương gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an.
5 người dân được cử đại diện cho hơn 1.000 người dân nhận khoán của Công ty Thắng Lợi đối thoại cùng các lãnh đạo tỉnh và Trung ương. Phía bên ngoài hội trường, chính quyền địa phương đã bố trí 2 màn hình cỡ lớn, phát trực tiếp bên trong hội trường ra ngoài để người dân tiện theo dõi, nắm bắt.
Đại diện cho các hộ nhận khoán, ông Nguyễn Trọng Ngọc (56 tuổi, ngụ thôn 15, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) cho biết năm 1976-1980 các hộ dân rời quê hương vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới tại Nông trường quốc danh cà phê Thắng Lợi.
Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk và các bộ, ngành Trung ương tại buổi đối thoại
Năm 1987-1993, nông trường giao một phần diện tích đất bằng hợp đồng liên kết trồng cà phê để các gia đình nông trường viên tự khai hoang, vốn đầu tư cà phê 100% của người dân.
Năm 1997-2019, nông trường được đổi tên Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi. Thời điểm này, người dân được cấp một cuốn sổ hợp đồng liên kết trồng cà phê, giao đất thời hạn trồng 50 năm kể từ năm trồng.
Đến năm 2019, Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi đổi tên Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi và đã chuyển nhượng cổ phần trong đó có 616 ha đất và vườn cây hợp đồng liên kết của người dân.
Giai đoạn này, công ty yêu cầu trả lại đất hợp đồng liên kết đưa vào nhận khoán nhưng không có sự thỏa thuận đàm phán khiến bà con không đồng tình.
Đại diện các hộ nhận khoán nêu quan điểm tại buổi đối thoại
Ngoài ra, người dân cũng ý kiến cho rằng quá trình cổ phần hóa tại Công ty Thắng Lợi nhưng không công khai cho nhân dân biết là chưa đúng quy định.
Do đó, người dân đề nghị 3 vấn đề gồm: Công ty cà phê Thắng Lợi trả lại hơn 616 ha đất liên kết trồng cà phê về cho địa phương quản lý để thực hiện các thủ tục giao đất, cấp sổ đỏ cho người dân. Hai là người dân mong muốn Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện thanh tra lại toàn diện tại Công ty cà phê Thắng Lợi để phát hiện, xử lý những vấn đề còn tồn đọng tại đây. Thứ ba, người dân muốn các cấp, ngành làm rõ việc cổ phần hóa của Công ty cà phê Thắng Lợi, làm rõ các sai phạm khi công ty đưa cả diện tích đất liên kết vào chuyển nhượng cổ phần, gây hoang mang dư luận.
Trong khi đó, ông Lê Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết theo các quy định về pháp luật đất đai thì hơn 616 ha đất này không đủ điều kiện trả về cho chính quyền địa phương, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Hàng ngàn người nhận khoán quan tâm buổi đối thoại
Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính Đắk Lắk lý giải, trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp không đưa giá trị tài sản của 616 ha của người dân vào giá trị doanh nghiệp. Tức giá trị tài sản trên đất của hơn 616 ha đất này vẫn thuộc các hộ dân đang nhận khoán, liên kết.
Sau khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng người dân, các ý kiến từ các Sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng trong vụ việc cần được giải quyết thỏa đáng, ưu tiên giải quyết lợi ích cho người dân nhưng phải dựa trên quy định của pháp luật.
Theo ông Nghị, về nguồn gốc đất, người dân cho rằng dân tự khai hoang, phía Công ty Thắng lợi cho rằng công ty khai hoang nên phải chứng minh rõ ràng, tránh mâu thuẫn.
"Tôi sẽ trực tiếp báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Thắng Lợi, cần làm rõ việc thực hiện cổ phần hóa đúng quy định chưa. Tôi đề nghị phía lãnh đạo Công ty Thắng Lợi và người dân ngồi lại với nhau dần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc" - ông Nghị nói.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương, Thanh tra Chính Phủ, cho rằng trong buổi đối thoại hôm nay chưa thể trả lời tất cả các vấn đề cho người dân bởi cần làm rõ nguồn gốc đất đai, quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị của công ty trước khi cổ phần hóa.
Ông Điệp cũng vận động người dân phải bình tĩnh, hợp tác để xử lý vụ việc theo đúng quy định. Do hiện 616 ha người dân vẫn đang canh tác, đang sử dụng, nếu người dân không hợp tác, khi công ty phá sản thì đất sẽ bị thu hồi, khi đó dân sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi.
Bên cạnh đó, ông Điệp đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp thu ý kiến người dân, tiếp nhận các hồ sơ, nội dung mới và trả lời cho người dân. "Phải rà soát những kiến nghị để báo cáo Thủ tướng và Tổng Thanh tra Chính phủ" – ông Điệp nhấn mạnh.
Bình luận (0)