Qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thực tiễn cho thấy đã có những chuyển động tích cực trong nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, vận hành mô hình mới về tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế ở các địa phương.
Nhiều kết quả qua thí điểm
Nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Phú Yên… đã sớm ban hành kế hoạch, chương trình hành động, triển khai thực hiện các mô hình ở cấp huyện.
Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến các mô hình hợp nhất ban tổ chức cấp ủy và phòng nội vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy và thanh tra nhà nước; văn phòng cấp ủy và văn phòng HĐND-UBND; sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị và ban tuyên giáo… Nhiều địa phương chủ động sắp xếp nhân sự tổ chức bộ máy, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc, tạo sự thống nhất, liên thông khi thực hiện nhiệm vụ giữa chính quyền với cấp ủy.
Trong số hơn 30 tỉnh, thành phố cả nước thực hiện thí điểm mô hình hợp nhất các cơ quan, một số mô hình phát huy hiệu quả đã được các địa phương triển khai ở 100% đơn vị cấp huyện, như: Trà Vinh, Yên Bái hợp nhất 3 văn phòng cấp huyện, tổ chức và nội vụ, ủy ban kiểm tra và thanh tra.
Các tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Lạng Sơn hợp nhất ban tuyên giáo - trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Quảng Ngãi hợp nhất 3 văn phòng; Quảng Ninh hợp nhất tổ chức - nội vụ, ủy ban kiểm tra - thanh tra, tuyên giáo - trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Trong đó, mô hình hợp nhất ủy ban kiểm tra - thanh tra được thí điểm ở 52 huyện/11 tỉnh; tổ chức - nội vụ thí điểm ở 57 huyện/14 tỉnh; văn phòng cấp ủy - HĐND - UBND thí điểm ở 66 huyện/21 tỉnh. Nhiều nhất là mô hình hợp nhất ban tuyên giáo - trung tâm chính trị cấp huyện, thực hiện ở 86 huyện/11 tỉnh.
Ở Lâm Đồng, Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung tinh giản biên chế gắn với thực hiện đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, bố trí các chức danh ở cấp huyện như: trưởng ban dân vận - chủ tịch ủy ban MTTQ, trưởng ban tuyên giáo - giám đốc trung tâm chính trị; thí điểm thành lập cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở 3 huyện: Đạ Huoai, Lâm Hà, Đạ Tẻ, hoạt động từ cuối năm 2018 đến nay.
Giảm đầu mối, giảm chi phí
Qua sơ bộ đánh giá vận hành mô hình tổ chức bộ máy mới ở các tỉnh, thành bước đầu cho thấy: Nhận thức và ý thức của cấp ủy nâng lên, thể hiện bằng trách nhiệm chính trị và sự vào cuộc tích cực trước yêu cầu của Đảng về đổi mới tổ chức, phương thức, nội dung hoạt động và trước đòi hỏi của thực tiễn. Giảm được đầu mối và giảm được chi phí thường xuyên, giảm số lãnh đạo cấp phòng và góp phần tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hợp lý, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do việc nghiên cứu, xây dựng mô hình mới về tổ chức, bộ máy diễn ra trong điều kiện Nghị quyết 18-NQ/TW vừa ban hành, chưa kịp thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên mỗi địa phương triển khai mỗi cách khác nhau tùy theo nhận thức, năng lực của người đứng đầu và cấp ủy mỗi cấp.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn. Trong ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Cùng đó, cơ sở pháp lý và thực tiễn về mô hình tổ chức chưa vững chắc, định chế tài chính chưa đầy đủ và hoàn thiện, vị trí việc làm chưa xác định rõ… đã làm cho quá trình thí điểm vận hành hoạt động ở một số cơ quan, một số khâu còn lúng túng, có mặt thiếu đồng bộ.
Tình trạng "vác ghế ngồi chung, việc ai nấy làm" khá phổ biến; chưa có cơ chế, tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình một cách độc lập, khách quan để rút ra bài học, nâng tầm lý luận. Công tác sơ kết, tổng kết chưa được ứng xử một cách khoa học, đa phần báo cáo thành tích chung chung; ngại phản biện, chỉ thẳng những hạn chế, bất cập. Có cấp ủy trong một buổi sáng mà tiến hành đến 2 cuộc tổng kết 2 năm, 5 năm về các nội dung khác nhau.
Mặt khác, còn có tình trạng một số cấp ủy và người đứng đầu chỉ chú trọng thành tích giảm cơ học biên chế, thu gọn đầu mối mà chưa đánh giá đầy đủ tác động bất lợi, tính hợp lý, hợp pháp, chất lượng phục vụ nhân dân khi sáp nhập, hợp nhất... Chưa coi trọng các yếu tố về "chất" và "tinh" (tinh giản chứ không phải tinh giảm) của đội ngũ cán bộ, công chức khi bổ sung thay thế; tinh gọn chưa gắn liền hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Do đó, năng suất lao động của bộ máy chưa được cải thiện để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng chung và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba vấn đề cần nghiên cứu tiếp
Từ kết quả thí điểm, để tiếp tục hoàn thiện mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW, cho thấy có 3 vấn đề cần nghiên cứu tiếp:
Thứ nhất, cần đánh giá tác động của mô hình thí điểm không chỉ trong địa phương mà phải xét đến cả hệ thống và mối liên hệ giữa các địa phương trong thể chế mở, hướng đến kết quả cuối cùng là phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chất lượng phục vụ, lòng tin của nhân dân.
Thứ hai, thực hiện Kết luận 74-KL/TW ngày 22-5-2020 của Bộ Chính trị, các địa phương đã và đang tổng kết việc thực hiện thí điểm từng mô hình, đánh giá hiệu quả thí điểm. Đó là một hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp cho một chặng đường mới hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Vì vậy, cần cải tiến cách thức sơ kết, tổng kết để rút ra được tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học thực sự.
Thứ ba, thể chế hóa nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phát triển với mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, có chi phí hợp lý nhất chứ không phải là xong quy trình và chi phí rẻ nhất, thấp nhất. Coi trọng tiêu chí năng lực, năng suất lao động, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, phải đáp ứng điều kiện, lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Thể hiện rõ hơn sự năng động
Qua thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ngãi đã giảm từ 50 đơn vị xuống còn 22 đơn vị cấp huyện (trong đó giảm 13 văn phòng, 8 nội vụ và 7 thanh tra), giảm 63 vị trí người đứng đầu. Tuyên Quang đã giảm 8 đầu mối thuộc UBND cấp huyện; giảm 11 chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan cấp huyện. Yên Bái giảm 27 đầu mối, 48 biên chế, 27 cấp trưởng, 48 cấp phó …
Đội ngũ cán bộ, công chức được cơ cấu lại theo hướng đa nhiệm, đa lĩnh vực, thể hiện rõ hơn sự năng động, tự học nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu của tổ chức bộ máy mới.
Bình luận (0)