Hơn một tuần trước, nhiều chủ doanh nghiệp tìm đến báo chí nhờ có tiếng nói hỗ trợ vì khi họ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM nộp hồ sơ liên quan việc đăng ký kinh doanh (ĐKKD) như cấp phép, thay đổi địa chỉ trụ sở, mã số thuế… có kê khai các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thì không được tiếp nhận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có người cho biết nếu không đổi được giấy chứng nhận ĐKKD, mã số thuế từ quận Thủ Đức sang nơi cần sử dụng thì không thể xuất hóa đơn cho khách hàng trong tháng 1-2021, làm báo cáo thuế quý IV/2020, nguy cơ doanh nghiệp sẽ bị cơ quan quản lý xử phạt vi phạm hành chính với mức rất cao theo quy định mới. Đang khó khăn vì đại dịch Covid-19 trong khi Tết nhất đang đến, vậy mà bị phạt nữa thì rất căng.
Đó là một trong những sự cố phát sinh trong quá trình thành lập TP Thủ Đức. Sự cố này đã làm cho không chỉ doanh nghiệp mà cả phía cơ quan quản lý cũng lúng túng. Lúng túng là điều dễ hiểu, bởi với khoảng 1.000 hồ sơ của doanh nghiệp ở TP HCM cần giải quyết mỗi ngày thì đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng Đăng ký quản lý kinh doanh - Sở KH-ĐT TP không thể đủ khả năng xử lý từng trường hợp phát sinh. Đã vậy, cơ quan này lại không thể tự sửa trên hệ thống mà phải xin ý kiến Bộ KH-ĐT.
Rất may, Sở KH-ĐT TP HCM kiến nghị ngay lên Bộ KH-ĐT và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của bộ này đã điều chỉnh dữ liệu liên quan thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Sự việc được hóa giải nhanh chóng. Song, từ đây cũng cho thấy phía cơ quan quản lý đã không tiên lượng được tình huống "không đáng có" này.
Còn nhớ, liên tục trong suốt thời gian dài căng mình với việc phòng chống đại dịch Covid-19, Chính phủ luôn nhắc nhở các địa phương, bộ, ngành phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc "sức khỏe" doanh nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao Chính phủ và nhiều địa phương đã rất nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp.
Thế nhưng, giúp nguồn lực chỉ là một cách, dù đó là "liệu pháp" rất quan trọng. Trong các hội nghị bàn giải pháp phục hồi sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nói rõ cái họ cần hơn là chính quyền các cấp, các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tự bươn chải. Chuyện doanh nghiệp từng hồ hởi với việc cuối quý I/2020, Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực là một ví dụ cụ thể.
Dễ hiểu thôi, vì doanh nghiệp đang chịu hệ lụy rất nặng nề của dịch bệnh. Không ít doanh nghiệp đã phải sống bằng tiền vay mượn hay bán tài sản, thậm chí phá sản. Không vực dậy doanh nghiệp thì làm sao để duy trì nền kinh tế hay nghĩ đến chuyện tăng trưởng?
Cho nên, trong quản lý, rất cần sự nhạy bén để nắm bắt "sức khỏe" của doanh nghiệp. Đấy mới là bản chất của nền hành chính phục vụ.
Bình luận (0)