Năm 2016, trên cơ sở đề nghị của trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản (viết tắt là Ban quản lý) huyện, UBND huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai phê duyệt đầu tư công trình nhà ăn, nhà tiếp khách với tổng mức đầu tư hơn 3,8 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện.
Sử dụng đôi lần rồi đóng cửa
Công tình 2 tầng có tổng diện tích hơn 1.000 m2 do Ban quản lý làm chủ đầu tư. Khởi công từ tháng 6-2017, đến tháng 11-2017, công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết ban đầu công trình xây dựng nhằm phục vụ cho cán bộ, viên chức liên cơ quan tại huyện Phú Thiện có điều kiện ăn trưa, ăn chiều. Huyện cũng có nơi để tiếp khách mà không phải ra quán xá. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm hoàn thành, công trình luôn đóng kín cửa, nằm phơi nắng phơi sương mà không được sử dụng. Theo một cán bộ đang công tác tại huyện Phú Thiện, từ khi đi vào hoạt động đến nay mới chỉ "một vài lần" thuê người về nấu ăn, phục vụ cho cán bộ.
Ông Tuấn cho hay ban đầu giao công trình trên cho Văn phòng UBND huyện quản lý. Tuy nhiên, theo quy định phải giao cho đơn vị sự nghiệp và vừa mới giao về cho Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao huyện quản lý. Theo phương án sử dụng công trình mà Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao huyện đã xây dựng, công trình này sẽ được sử dụng theo hình thức xã hội hóa hoặc tiến hành đấu thầu. Hiện phương án này đang trình Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phê duyệt.
Nhà ăn, nhà tiếp khách với kinh phí 3,8 tỉ đồng ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai ít khi sử dụngẢnh: HOÀNG THANH
Trường mầm non thành nơi nuôi gà
Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Nông, điểm Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) đang xuống cấp. Điểm trường này từng được xây dựng khang trang trên diện tích gần 4.000 m2 với 4 phòng học kiên cố, đầy đủ các công trình phụ trợ như khu vui chơi, dụng cụ học tập ngoại khóa. Sau nhiều năm bỏ hoang, hiện nay, phòng học đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cửa kính bị đập vỡ, người dân vào ở, nuôi gà, sản xuất nước mắm, lập bàn thờ trong phòng học.
Ông T.N.C (có con theo học tại Trường Mầm non Sơn Ca) cho biết khuôn viên trường học ở điểm trường chính chật hẹp, các cháu không có chỗ vui chơi. Trong khi điểm trường được cho là lẻ này (cách khoảng 500 m) thì khang trang, tốn rất nhiều tiền ngân sách nhưng để hoang.
"Trước đây, chúng tôi kiến nghị hiệu trưởng nhà trường chuyển con em về đây học tập nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận" - ông C. nói.
Một lãnh đạo Trường Mầm non Sơn Ca cho rằng trước đây, tổ chức cho học sinh học tập thường xuyên nhưng những năm gần đây, do lượng học sinh giảm nên điểm trường này dừng hoạt động. Tháng 4-2018, trường có văn bản báo cáo tình trạng xuống cấp của điểm trường và đề xuất phương án khắc phục. Theo đó, nhà trường kiến nghị bàn giao toàn điểm trường về cho UBND thị trấn Đức An quản lý hoặc bố trí thêm kinh phí sửa chữa, xây mới các phòng học để chuyển điểm chính về điểm lẻ này nhưng không được đồng ý.
Theo UBND huyện Đắk Song, hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, UBND thị trấn Đức An đã có báo cáo và trình phương án sử dụng. Đồng thời, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp của huyện cũng xin mượn điểm trường để sử dụng. Huyện đã chỉ đạo duy trì quỹ đất tại điểm trường này để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trong năm 2022. Sau đó, điểm trường được bố trí 1 phòng làm việc, 1 phòng kho chứa thiết bị và đồ dùng, 1 phòng cho bảo vệ ở để trông coi cơ sở vật chất. Trong quá trình ở và sinh hoạt, ông Nguyễn Ngọc Thắng (bảo vệ) tổ chức làm nước mắm, nuôi gà, lập bàn thờ trong phòng học là tự phát. Huyện đã chỉ đạo kiểm tra, sớm xử lý.
Cũng theo UBND huyện Đắk Song, trước mắt, huyện chỉ đạo Trường Mầm non Sơn Ca phải có kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công theo quy định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện theo kế hoạch bố trí phòng làm việc, phòng kho và phòng bảo vệ; tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh để bàn bạc, thống nhất kế hoạch tu sửa, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để chuyển một lớp học từ điểm trường chính về điểm trường lẻ này.
Công trình nước sạch tiền tỉ "đắp chiếu"
Đó là công trình nước sinh hoạt nông thôn tại thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng được một hiệp hội của Pháp đầu tư xây dựng từ năm 2007 để phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho gần 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm 2016, thượng nguồn suối Đạ Cọ bị chặn dòng khiến công trình nước sinh hoạt ở Tôn K’Long "đắp chiếu".
Ông K’Líp (ngụ thôn Tôn K’Long B, xã Đạ Pal) cho rằng công trình ngưng hoạt động, người dân không có nguồn nước để sinh hoạt. "Mấy năm qua, chúng tôi tìm mọi cách kiếm nước sinh hoạt như đào giếng, dùng can đi lấy nước... Hiện đang vào mùa khô nên tình trạng thiếu nước của bà con càng nghiêm trọng hơn" - ông K’Líp nói.
Ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, cho biết xã đã có nhiều công văn gửi UBND huyện Đạ Tẻh tìm cách tháo gỡ nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Bình luận (0)