Đội cứu hộ động vật biển Sasa (Sasa Team Marine Rescue, gọi tắt Sasa), gồm 10 thành viên thường trực đang sinh sống tại TP Đà Nẵng. Ít nhất 3 lần/tuần, đội cùng các bạn tình nguyện viên lại lặn biển Sơn Trà, đem hàng trăm cá thể san hô bị gãy đổ, bệnh tật lên bờ để "chữa trị", trước khi trả lại đáy biển an toàn.
Một mỏ neo phá hoại, 100 năm kiến tạo san hô
Hơn 9 giờ, tại Bãi Nồm, đội Sasa tập hợp đông đủ. Sau khi tập kết dụng cụ, trưởng nhóm Lê Chiến (SN 1984, quê Hà Nội) phổ biến một lần nữa về quy định lặn an toàn cho 3 tình nguyện viên mới tham gia. "Không tùy tiện chạm vào san hô; không lặn cách xa nhau, chú ý người bên cạnh. Dù nắng đã lên, đáy biển tương đối sáng nhưng phải để ý đến luồng nước để giữ an toàn cho bản thân. Bên dưới mặt biển là thế giới khác, rất nhiều nguy hiểm" - anh Chiến nhấn mạnh.
Không dễ để tham gia lặn biển trồng san hô, thành viên Sasa đều là người có thể lực tốt, giỏi bơi lặn, hiểu biết về san hô và các loài sinh vật biển. Để trồng lại một cá thể san hô bị gãy, cần đến 5 bước: 1. Dọn dẹp rạn, loại bỏ mối nguy hại như nhựa và lưới; 2. Tìm kiếm và cứu hộ san hô bị gãy, tổn thương; 3. Cố định san hô vào giá thể, trả lại môi trường tự nhiên; 4. Chăm sóc, loại bỏ các yếu tố gây hại đến san hô như tảo, ốc và sao biển ăn san hô; 5. Cố định san hô sau khi dưỡng vào giá thể tự nhiên hoặc xây dựng giá thể nhân tạo.
San hô là động vật săn mồi nhưng dễ bị tổn thương, lại sinh trưởng rất chậm. Bán đảo Sơn Trà được đánh giá sở hữu 104,6 ha rạn san hô gồm các loại: san hô sừng hươu, sừng nai, san hô sọ, san hô bàn, san hô hoa hồng…, đa dạng không kém Nha Trang (Khánh Hòa) hay Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Theo thống kê của Sasa, sau gần 4 năm trồng san hô, ở điều kiện thuận lợi nhất, san hô sừng nai, sừng hươu phát triển được khoảng 15 cm/năm. Con số này thậm chí còn ít hơn đối với loại san hô sọ, san hô bàn (từ 5-8 cm/năm), hay san hô hoa hồng chỉ được khoảng 12 cm chu vi/năm.
"Phải mất đến gần 100 năm để kiến tạo một rạn san hô. Tuy nhiên, việc thả neo đậu của các tàu chở khách, môtô nước đã làm gãy rất nhiều san hô. Một mỏ neo có thể kéo hư khoảng 40 m2 san hô; một ngày, một nhóm khách du lịch có thể giẫm nát 100 m2 san hô, chưa kể lượng dầu nhớt, rác mà con người thải ra. Những san hô gãy nếu không được cứu thì sẽ chết. 100 năm kiến tạo của tự nhiên, phút chốc bị con người hủy hoại" - trưởng nhóm Sasa bức xúc.
Sau gần 1 giờ quần thảo dưới đáy biển, anh Lê Chiến đem lên bờ 4 nhánh san hô sừng nai, dài khoảng 40 cm. Đây là số san hô bị gãy đổ, vùi lấp dưới cát biển. Thậm chí, có nhánh đã chết trắng quá nửa. Sau khi xem xét, nhóm quyết định tách 4 nhánh ra thành hơn 30 cá thể, gắn cố định vào 10 phiến đá san hô. Đây sẽ là "nhà mới" của số san hô này. Tỉ mỉ gắn san hô vào đá, anh Cao Đăng Huy (SN 1995, phụ trách phần cơ khí đội Sasa) nhẩm tính nếu hoàn tất, nhóm sẽ đạt chỉ tiêu ươm 50 m2 san hô trong tháng này.
"Khi không được cố định vào giá thể, san hô bị gãy đổ, bị cát vùi lấp… dẫn đến stress. Chúng tiết ra chất nhờn thu hút các loài tảo có hại. Khi bị tảo che phủ hết ánh sáng, san hô sẽ chết. Trung bình một tuần, nhóm đặt xuống biển được 20 giá thể gắn san hô, 200 kg đá chèn chống cát xói mòn. Ngoài Bãi Nồm, 3 điểm khác tại Sơn Trà cũng được trồng theo cách tương tự" - một thành viên Sasa cho biết.
Các bạn trẻ tình nguyện trồng san hô ở biển Sơn Trà
Môtô nước của khách du lịch lao trên khu vực các tình nguyện viên trồng san hôẢnh: Sasa team
Hiểm nguy đến từ... du khách
Mất 3-4 giờ ngâm mình dưới nước, nhóm Sasa mới đặt hết 20 giá thể xuống đúng vùng nước đã định. Đây là ngách tĩnh sóng, nằm ngoài rìa rạn san hô đã chết, cách đất liền tầm 200-300 m. Sau gần 5 giờ lặn biển, nhiều thành viên Sasa có dấu hiệu đuối sức. "Có lần nhóm phát hiện một cái bẫy cua, bằng kim loại, dài gần 20 m nằm đè lên rạn san hô. Phải mất gần 2 giờ để đưa bẫy vào bờ. Trong lúc cố gắng, anh Chiến bị va vào đá, cắt rách chân, chỉ bơi bằng một chân vào đến bờ" - thành viên Cao Đăng Huy nhớ lại.
Ngoài nguy hiểm dưới lòng đại dương, người trồng san hô còn nhiều lần gặp nguy với canô, môtô nước phục vụ du lịch tự phát tại Bãi Nồm. Chỉ mất từ 500.000 đến 1 triệu đồng, du khách đã có thể thuê môtô nước chạy vô tư ngay trên những rạn san hô và ngay trên cả... những người đang lặn biển. Tình nguyện viên Nguyễn Siêu Hạnh (trú TP HCM) đã từng đối diện tình huống hiểm nguy như thế, kể: "Đang lặn, tôi bất ngờ nghe tiếng động cơ mỗi lúc một to dần. Ngẩng đầu lên đã thấy 2 khách du lịch lao thẳng môtô đến. May mắn, họ kịp bẻ lái, không thì đã có tai nạn xảy ra".
"Canô, môtô nước ở đây neo đậu rất bừa bãi. Tiếng ồn từ động cơ làm san hô bị stress cực độ. San hô ở Bãi Nồm rất đẹp nhưng rất ít cá do bị suy thoái dần. Tại Bãi Nồm ngày trước, rạn san hô kéo dài gần 2 km, nay chỉ còn chưa đầy 500 m, thậm chí đã chết mất 1/3. Cách bờ tầm 100 m, rạn san hô có màu nâu tím đã chết gần hết, chỉ còn phần rìa của rạn là còn sống, phát triển nhưng bị đe dọa nghiêm trọng" - người dân địa phương cho hay.
Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng đã có thông báo chỉ đạo, yêu cầu các tổ khai thác hải sản kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tăng cường tuần tra, báo cáo thông tin về các vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi san hô khu vực Bãi Nồm cho thanh tra thủy sản, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để kịp thời xử lý.
"Trồng thành công san hô, cơ bản, chúng tôi tin rằng có thể thay đổi cách làm du lịch. Công việc cần có yếu tố khoa học, yếu tố con người và tình yêu chứ không phải vì tiền. Quan điểm của Sasa là cứ thế mà đi, mình cứ làm đúng thì việc đúng sẽ đến" - trưởng nhóm Sasa bộc bạch.
403 triệu đồng hỗ trợ bảo vệ san hô
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, từ năm 2008 đến nay, trên 165 vụ việc về các hành vi vi phạm đến nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi san hô và hệ sinh thái tại các khu vực biển được phát hiện.
Từ năm 2016, sở đã phối hợp với các địa phương vận động thành lập 2 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại phường Thọ Quang và Mân Thái, hỗ trợ tổng cộng 403 triệu đồng cho 2 tổ để tổ chức tuần tra bảo vệ san hô, các hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Tham mưu thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh tại bán đảo Sơn Trà
Theo Quyết định 541/QĐ-TTg ngày 20-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, biển bán đảo Sơn Trà nằm trong danh sách 11 khu vực có tiềm năng thành lập thành khu bảo tồn biển được điều tra khảo sát bổ sung. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ Quyết định 54/2007/QĐ-UBND ngày 13-9-2007 của UBND TP Đà Nẵng; đồng thời tham mưu UBND TP lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh hoặc khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo thẩm quyền quy định tại Luật Thủy sản và Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT.
Bình luận (0)