Ngày 2-8, 400 sinh viên y khoa của Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã được bố trí đến các điểm nóng chống dịch Covid-19 của TP Đà Nẵng, bổ sung cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19.
Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tình nguyện vào các điểm nóng chống dịch. Ảnh: THÀNH ĐÔNG
Đến hết dịch mới thôi
Ngày 2-8 trở thành ngày đáng nhớ nhất đối với Võ Thành Đông (sinh viên năm 3 Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng) khi bạn trẻ này có ngày "thử việc" đầu tiên tại một chốt kiểm soát Covid-19 ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Đông thuộc nhóm 35 sinh viên tình nguyện về huyện Hòa Vang, theo sự phân công của Trung tâm Y tế huyện. Từ đây, họ được bố trí về các trạm y tế xã, các chốt kiểm soát để thực hiện đo thân nhiệt, tư vấn khai báo y tế cho người dân địa phương.
"Tụi em tình nguyện làm cho đến hết dịch mới thôi. Mỗi người mỗi việc để cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh. Ba mẹ em khi hay tin cũng đồng tình, động viên em cố gắng làm việc, giữ gìn sức khỏe" - Đông bộc bạch.
Trở về ký túc xá sau 8 giờ hỗ trợ ở chốt kiểm dịch quận Ngũ Hành Sơn, bạn Trần Thị Quỳnh (sinh viên y khoa năm 4 Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng) tỏ ra khá mệt mỏi. Tuy nhiên, Quỳnh sẽ tiếp tục tham gia đội hình hậu cần, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm được hỗ trợ tại trường vào tối nay. Quỳnh chia sẻ: "Những việc như đo nhiệt độ, lấy khai báo y tế, tụi mình đã quen từ đợt dịch trước. Tám giờ ròng rã dù mệt nhưng nghĩ đến các y - bác sĩ đang căng mình tuyến đầu, mình thấy chả thấm là bao".
TS Lê Văn Nho, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, cho biết lực lượng sinh viên tình nguyện của trường được chia làm 8 tổ, điều đến các trạm, chốt y tế tại 7 quận, huyện. Các đội tình nguyện được tập huấn kỹ càng, đặt dưới sự chỉ đạo, điều động của Sở Y tế TP, với các công việc như thực hiện biện pháp lấy mẫu, truy vết, nhập dữ liệu…, giúp đội ngũ y - bác sĩ tuyến đầu bớt vất vả.
Trái ngược với tâm lý sợ dịch, sinh viên ngành y tại Đà Nẵng dường như đang nôn nóng được tham gia mặt trận chống Covid-19. Giảng viên Phan Thị Thảo Ly (Khoa Y dược - ĐH Đà Nẵng) cho biết có 188 sinh viên nhà trường đăng ký lên tuyến đầu. Con số này sẽ còn tăng cao trong những ngày tới.
Bạn Nguyễn Bình Linh Thoại (sinh viên năm 3 ngành Dược - ĐH Đà Nẵng) bày tỏ tự hào khi có tên trong đợt huy động đầu tiên của nhà trường. "Đã học ngành này thì phải chấp nhận. Đây là trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng là cơ hội để chúng em được cống hiến" - Thoại bày tỏ.
Ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng Ban Tuyên giáo - Thành Đoàn Đà Nẵng, cho biết đến ngày 2-8, đã có hơn 6.000 sinh viên, đoàn viên thanh niên đăng ký tình nguyện, hỗ trợ TP chống dịch. Lực lượng xung kích này sẽ được phân công thành 2 nhóm: Đội hình sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới của dịch và đội hình sẵn sàng hiến máu tình nguyện.
Anh Phan Văn Đức (trái) trao tặng vật tư y tế quyên góp được cho một cơ sở y tế ở Quảng Nam (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng!
Tại tỉnh Quảng Nam, sau một tuần có ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, địa phương này đã tiến hành giãn cách xã hội ở 6 huyện, thị xã, thành phố. Hàng loạt chốt kiểm soát cũng đã được bố trí để đo thân nhiệt, kiểm soát người đến từ vùng dịch.
Trước tình hình đó, những ngày qua, hàng ngàn thanh niên tình nguyện ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tham gia hỗ trợ công tác hậu cần tại các chốt kiểm soát. Trước thực trạng một số khu cách ly tại các địa phương như Thăng Bình, Quế Sơn thiếu cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế..., nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ.
Điển hình, anh Phan Văn Đức - Bí thư Chi đoàn thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - đã kêu gọi hỗ trợ hàng ngàn chiếc khẩu trang y tế, nhiều nhu yếu phẩm cho các bệnh viện và người dân trên địa bàn huyện Thăng Bình và thị xã Điện Bàn. Ông Lương Mạnh Thắng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quế Châu, huyện Quế Sơn - vận động hàng chục triệu đồng từ người dân xa quê và các nhà hảo tâm. Nhiều hộ dân ở xã Quế Châu cũng tự nguyện thay phiên nhau nấu cơm cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn.
Trên trang Facebook cá nhân của chị Nguyễn Thị Thu, công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Tam Kỳ), sau vài giờ đăng bài kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng mạng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã tiếp nhận hơn 18 triệu đồng và rất nhiều nhu yếu phẩm từ người dân trên cả nước, đặc biệt từ chính những người đồng hương Quảng Nam. Chị Thu viết lời cảm ơn đầy cảm xúc.: "... Chúng tôi không chỉ vui mừng khi nhận được đồ tiếp viện mà còn vui hơn gấp bội khi tinh thần đoàn kết dân tộc lại lên cao đến vậy. Chỉ cần có người kêu gọi, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ hết mình. Cuộc chiến này có khó khăn, có khốc liệt như thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng, vì chúng ta là một tập thể đoàn kết, một dân tộc đoàn kết".
Tại TP Hội An, nơi ghi nhận có 12 ca Covid-19 tính đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP, cho biết sau khi TP đăng thông tin kêu gọi vào ngày 1-8, đã có hàng chục bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đang công tác tại các cơ sở y tế hoặc đã nghỉ hưu, các bạn trẻ là sinh viên ngành y gọi điện đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ TP trong công tác phòng chống dịch.
Cùng Báo Người Lao Động đẩy lùi dịch Covid-19
Người dân cả nước và các tổ chức, đơn vị đã và đang hướng về miền Trung, trong đó Đà Nẵng là tâm dịch, góp phần hỗ trợ, chia sẻ giúp miền Trung vượt qua dịch Covid-19. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong việc phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ những người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch, Báo Người Lao Động làm cầu nối giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp, cá nhân và tập thể cùng nhau chống dịch Covid-19.
Để việc làm ý nghĩa này sớm được triển khai và nhân rộng, các doanh nghiệp, cá nhân và tập thể có thể đóng góp thông qua tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884; đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động; nội dung: Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.
Bình luận (0)