Ngày 23-11, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn (TP HCM) tổ chức họp mặt kỷ niệm 82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ (23.11.1940 - 23.11.2022).
Dự lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Trần Kim Yến.
Tại buổi họp mặt, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên đã ôn lại lịch sử cách đây 82 năm, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại Hóc Môn nổ ra từ đêm 22 đến rạng sáng 23-11-1940 đã huy động được lực lượng lớn quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa cùng nghĩa quân của 4 tổng gồm: Tổng Long Tuy Thượng, Tổng Long Tuy Hạ, Tổng Long Tuy Trung và Tổng Bình Thạnh Trung chia thành 4 mũi tấn công áp sát vào dinh lũy của Quận trưởng Hóc Môn.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ và các đại biểu dâng hương tại Di tích Lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn) Ảnh: THU HIỀN
Sáng 23-11, nghĩa quân từ 4 phía xông vào đồn như nước vỡ bờ, cờ đỏ búa liềm xuất hiện trước sân đồn để chỉ đạo tinh thần chiến đấu của nghĩa quân và nhân dân. Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa quận Hóc Môn từ trước, lúc nghĩa quân nổ súng tấn công đồn, quần chúng cách mạng các làng xung quanh quận lỵ đã tiến hành nổi trống, mõ đồng loạt nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân và uy hiếp tinh thần địch. Tiếng mõ Nam Lân được ông Nguyễn Thanh Trà (tức Năm Trà) đánh vang lên liên tục hòa cùng tiếng trống, tiếng phèn la, thùng thiếc, tù và, tiếng reo hò của nghĩa quân và nhân dân ở khắp nơi đã thúc giục tinh thần chiến đấu ngoan cường của lực lượng các cánh quân, làm cho địch hoang mang, lo sợ và mất hết tinh thần kháng cự.
Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ có vũ trang với phạm vi rộng và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sau đó, thực dân Pháp đã khủng bố khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Ðảo và các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài... Giặc Pháp đã nhân cơ hội này hành hình nhiều cán bộ chủ chốt của Ðảng bị chúng bắt từ trước cuộc khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mang tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc và đi vào lịch sử như một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ; thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn; khẳng định bản lĩnh kiên cường, bất khuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng của quân dân Nam Bộ vì khát vọng độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại nhiều kinh nghiệm, góp phần cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và đại thắng mùa Xuân năm 1975; phản ánh tinh thần quật khởi hào hùng, góp phần tô thắm lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng, của nhân dân ta, nhất là nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ. Cuộc khởi nghĩa là minh chứng sinh động, hùng hồn đã làm sáng tỏ đường lối cứu nước của Đảng.
82 năm đi qua nhưng tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn luôn sống mãi cùng với thời gian. Nhân dân ta đang ra sức thực hiện giai đoạn cách mạng mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đó là sự kế tục xứng đáng tinh thần quật khởi, oanh liệt, khí phách anh hùng cách mạng của cuộc khởi nghĩa. "Phát huy tinh thần bất diệt của khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển huyện. Qua đó, đang gặt hái nhiều kết quả, chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị" - ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh.
Bình luận (0)