Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Tô Hiệu (1912-2022) là người cộng sản mẫu mực, bản lĩnh chính trị kiên cường, quyết hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi bị giam cầm ở nhà tù hà khắc của thực dân Pháp, ông đã giữ vững ý chí cách mạng, luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tượng bán thân của nhà cách mạng Tô Hiệu
Là tấm gương sáng ngời
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Tô Hiệu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày 6-3 đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên". Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh ông Tô Hiệu là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng hào hùng, phẩm chất cách mạng cao đẹp của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Ông Tô Hiệu sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 4 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1932, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt quyết định con đường hoạt động cách mạng. Năm 1934 ra tù, ông bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Sau đó, ông Tô Hiệu tìm cách đến Hà Nội liên lạc với tổ chức, tham gia tái lập hệ thống tổ chức Đảng và khôi phục phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ. Tháng 5-1937, ông được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; tháng 11-1937 được cử làm Ủy viên Thường vụ liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Đầu năm 1939, ông được cử phụ trách Khu B (sau là Liên tỉnh B), trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Tháng 12-1939, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị giam ở đề lao Hải Phòng, nhà tù Hỏa Lò, rồi bị kết án 5 năm tù, đày lên nhà tù Sơn La và hy sinh khi mới 32 tuổi.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, từ một thanh niên yêu nước chân chính, nhiệt thành, ông Tô Hiệu đã đến với lý tưởng cộng sản và trở thành đảng viên cộng sản kiên trung, trọn đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. "Dù bị giam cầm, hành hạ trong những nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân Pháp như Côn Đảo, Sơn La, bị tra tấn hết sức dã man, song ông đã nêu cao ý chí bất khuất, giữ vững bản lĩnh cách mạng và khí tiết của người cộng sản trước kẻ thù, kiên quyết giữ bí mật về tổ chức Đảng, phong trào cách mạng. Ông đã trở thành tấm gương tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam yêu nước chân chính, đó cũng là minh chứng sinh động về sự phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của lý tưởng cộng sản trong phong trào yêu nước Việt Nam sau khi Đảng ta ra đời"- ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Hội thảo khoa học “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”. Ảnh: HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Đào tạo nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng
Trên quê hương của ông Tô Hiệu những ngày vừa qua đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Tại lễ dâng hương và đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia Khu Lưu niệm đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, những cống hiến của ông Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam. Cũng trong dịp này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng di tích quốc gia khu lưu niệm ông Tô Hiệu tại tỉnh Hưng Yên.
Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, hình ảnh ông Tô Hiệu với cây đào được trồng tại nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản tại đây. Cách đây 78 năm, trái tim người cộng sản trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết đó đã ngừng đập tại nhà tù Sơn La (7-3-1944). Làm rõ thêm về khoảng thời gian người cộng sản Tô Hiệu bị tù đày tại Sơn La, PGS-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết khi vào tù, ông Tô Hiệu biết có chi bộ lâm thời nên sau đó đã cố gắng thành lập chi bộ chính thức. Tại nhà tù, Tô Hiệu cùng lãnh đạo chi bộ tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi, biến nhà tù của đế quốc thành trường học chủ nghĩa cộng sản, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng.
Ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La, cho biết ông Tô Hiệu bị đưa đến nhà tù Sơn La vào tháng 2-1940, chỉ 3 tháng sau, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La. "Với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, vượt lên gông cùm, ông Tô Hiệu cùng những người tù cộng sản làm nên điều vô cùng lớn lao và ý nghĩa, vượt ra khỏi sự kiểm soát của kẻ thù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng" - ông Nguyễn Vũ Điền nhấn mạnh và cho biết những năm tháng ở nhà tù Sơn La, ông Tô Hiệu đã góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng.
Đưa phong trào cách mạng phát triển mạnh
Theo ông Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), ông Tô Hiệu là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt đóng góp quan trọng trong việc tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ, tái lập cơ sở cách mạng, hệ thống cơ sở Đảng. Từ đó đã tạo nên phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ một cách sôi nổi, cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939. Năm 1939, ông Tô Hiệu tích cực chỉ đạo, củng cố hệ thống tổ chức Đảng ở nhiều địa bàn trọng yếu, đưa phong trào cách mạng vùng duyên hải Bắc Bộ phát triển mạnh, gây tiếng vang với nhiều cuộc bãi công của công nhân và quần chúng lao động, đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong công nhân ở Hải Phòng.
Bình luận (0)