Theo dự kiến, ngày 11-9, TAND tỉnh Trà Vinh sẽ xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Chi nhánh Trà Vinh của Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Trà Vinh).
Dây dưa nhiều năm
Trước đó, ngày 14-8, TAND tỉnh Trà Vinh đã đưa vụ án này ra xét xử nhưng phải tạm hoãn để làm rõ một số vấn đề quan trọng.
Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, cáo trạng đã chuyển từ tội danh này sang tội danh khác nhưng chưa được xét xử khiến cuộc sống của những người bị truy tố đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.
Nhóm 5 bị cáo bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Trần Vũ Dũng, Đỗ Thái Hòa, Nguyễn Hồng Nam, Bùi Thị Tuyết Mai và Nguyễn Hữu Lộc.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 14-8
Nhóm bị truy tố tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" có 3 bị cáo đều nguyên là cán bộ của Agribank Trà Vinh, gồm: Trần Văn Trực (nguyên phó giám đốc), Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên trưởng phòng tín dụng), Cao Văn Phong (nguyên phó phòng tín dụng).
Theo hồ sơ vụ án, năm 2007, Công ty CP Aquafeed Cửu Long (Aquafeed Cửu Long) được thành lập, chuyên kinh doanh và sản xuất thức ăn thủy sản. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Biển Tây (do ông Trần Vũ Dũng làm đại diện), Công ty CP Công nghiệp Thủy sản (do ông Nguyễn Hữu Lộc làm đại diện) và Công ty Dịch vụ cảng cá Cát Lở.
Năm 2008, HĐQT Aquafeed Cửu Long thống nhất tăng vốn điều lệ lên 50 tỉ đồng và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là sản xuất cá giống, nuôi cá thịt. Năm 2009, ông Phạm Đặng Hữu Thành, quyền Giám đốc Aquafeed Cửu Long, cùng kế toán trưởng Đỗ Thái Hòa trao đổi với ông Phạm Thanh Cần, Giám đốc Agribank Trà Vinh, xin vay vốn.
Theo cáo trạng, từ ngày 30-6-2010 đến 29-12-2011, ông Lộc cùng ông Dũng và các đồng phạm khác ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Aquafeed Cửu Long với Công ty Công nghiệp Thủy sản, Công ty Biển Tây để Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống làm giải ngân chuyển tiền vào tài khoản của Aquafeed Cửu Long.
Từ đây, Aquafeed Cửu Long chuyển cho Công ty Công nghiệp Thủy sản hơn 28 tỉ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỉ đồng để chiếm đoạt.
Cáo trạng kết luận nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo Agribank Trà Vinh đã gây thiệt hại cho nhà nước 52,4 tỉ đồng.
Mới đây, sau khi VKSND tỉnh Trà Vinh hoàn tất cáo trạng truy tố, nhóm các bị cáo trong vụ án phát hiện Agribank Trà Vinh đã bán đấu giá bất động sản và động sản (gồm công trình xây dựng và dây chuyền máy móc, thiết bị) của Aquafeed Cửu Long để xử lý nợ. Theo đó, khối tài sản được định giá 14,532 tỉ đồng. Sau đó, Agribank Trà Vinh làm hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.
Ngày 24-2, Công ty CP Lý Khải Minh trúng đấu giá, mua được khối tài sản này với giá 14,677 tỉ đồng.
Hết sức bất thường
Luật sư Đỗ Hòa - Đoàn Luật sư TP HCM, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Thái Hòa - nhận định đây là điều hết sức bất thường vì trong khi vụ án chưa xét xử nhưng cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh đã cho phép NH bán đấu giá một phần tài sản thế chấp. Theo biên bản định giá vào đầu năm 2011, trị giá tài sản thế chấp của 2 hợp đồng thế chấp 01AQ/TC và 02AQ/HĐTC là 32 tỉ đồng. Cáo trạng của VKSND tỉnh Trà Vinh nêu rõ kết quả định giá tài sản thế chấp vào ngày 4-4-2014 của Hội đồng Định giá tài sản thuộc Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh (các tài sản thế chấp gồm máy móc, thiết bị và nhà xưởng) trị giá 31,679 tỉ đồng. Tuy nhiên, tháng 12-2016, phía NH đồng ý cho Công ty CP Thẩm định giá EXIMA thực hiện định giá tài sản còn lại chỉ 14,532 tỉ đồng.
Luật sư Đỗ Hòa phân tích thêm rằng việc NH chấp nhận giá trị tài sản còn lại 14,532 tỉ đồng gây thiệt hại cho Aquafeed Cửu Long trong vấn đề trả nợ cho NH. Hiện nay, hầu hết các bị cáo đều có đơn kêu oan nhưng nếu tòa án không chấp nhận mà vẫn phán quyết các bị cáo có tội thì việc bán tài sản với giá thấp như trên sẽ làm ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả thiệt hại. Hơn nữa, Công ty CP Thẩm định giá EXIMA không phải là đơn vị do VKSND chỉ định để định giá làm căn cứ giải quyết hậu quả thiệt hại nếu như tòa án kết tội các bị cáo.
Việc bán tài sản thế chấp nêu trên chưa có sự đồng thuận của các cổ đông của Aquafeed Cửu Long (theo điều lệ Aquafeed Cửu Long, trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải được ít nhất 75% cổ đông chấp thuận).
Trong khi đó, cổ đông sáng lập là Công ty CP Công nghiệp Thủy sản và Công ty Dịch vụ cảng Cát Lở không đồng ý bán mà chờ phán quyết của tòa án (chỉ có 3/7 cổ đông tương đương 63% cổ đông đồng ý bán). Công ty Dịch vụ cảng Cát Lở cũng có công văn nêu rõ những sai phạm trong việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thẩm định giá và bán tài sản trong vụ án đến cơ quan điều tra và VKSND Trà Vinh nhưng việc bán tài sản vẫn được tiến hành.
Chính vì vậy, theo luật sư Đỗ Hòa, TAND tỉnh Trà Vinh cần hủy các quyết định bán đấu giá tài sản thế chấp nêu trên.
Yêu cầu công an hỗ trợ
Ngày 17-10-2012, ông Nguyễn Văn Trực, lúc này là Phó Giám đốc Agribank Trà Vinh, ký Công văn số 1525 gửi Công an tỉnh Trà Vinh yêu cầu hỗ trợ, phối hợp Agribank Trà Vinh trong việc thu hồi công nợ và xử lý tài sản, tạo điều kiện giúp Agribank Trà Vinh thu hồi số nợ. Sau đó, vụ án được khởi tố, truy tố bị can nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh không thống nhất được quan điểm xử lý vụ án nên VKSND tỉnh Trà Vinh phải có công văn gửi VKSND Tối cao xin ý kiến.
Sau đó, VKSND tỉnh Trà Vinh ban hành 2 cáo trạng truy tố chuyển từ tội "Sử dụng tài sản trái phép" sang "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiện các bị cáo đều được tại ngoại.
Bình luận (0)