Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm khoa học "Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của hoàng đế Gia Long (1802-1820)".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau thời gian dài bị phân ly, đất nước dưới thời vua Gia Long mới được thống nhất về mặt lãnh thổ. Từ khi lên ngôi, ông đã thực hiện hàng loạt kế sách về quản lý hành chính xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, chấn hưng giáo dục khoa cử và học thuật...
Ông Hoa đánh giá về tổng thể thì Gia Long là vị vua tài năng. Điều này được thể hiện qua các quyết sách lớn của ông trong đối nội, đối ngoại để khắc phục những hạn chế do một thời gian dài đất nước phân ly, giữ vững nền tự chủ trong hòa bình; tập trung xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thống nhất.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm Ảnh: TUẤN ANH
Phát biểu tại tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, cho biết từ thế kỷ XVII - thời các chúa Nguyễn, việc tổ chức khai thác, chiếm hữu và thực thi chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xúc tiến liên tục. Tuy nhiên, dưới góc độ công pháp quốc tế, ông Tiến khẳng định vua Gia Long mới là người có công lớn nhất trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế cho Việt Nam về vấn đề xác lập chủ quyền của quốc gia đối với những quần đảo này.
"Lợi thế của cuộc tranh chấp pháp lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là để bác bỏ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc từ mốc thời điểm 1909, một phần dựa vào thành quả có được từ tuyên bố chiếm hữu chính thức về mặt nhà nước thời vua Gia Long năm 1816, được quốc tế công nhận" - ông Tiến phân tích.
Ông Tiến cho rằng dựa trên công pháp quốc tế, có thể khẳng định đóng góp của vua Gia Long trong vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của quốc gia nói chung, xác lập và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa nói riêng là hết sức quan trọng và vô cùng to lớn đối với vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Các nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm thống nhất nhận định vua Gia Long đã có công đặt tên Việt Nam là quốc hiệu, có công lao to lớn thống nhất quốc gia trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ hiện nay.
Ngoài ra, hoàng đế Gia Long còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội... xây dựng kinh đô Huế. Dưới triều đại của mình, ông tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bình luận (0)