xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tòa lưu động: Tốn kém, hệ lụy xấu

Nguyễn Hưởng - Minh Chiến

Mỗi năm, ngành tòa án phải chi 70 tỉ đồng để tổ chức các phiên tòa lưu động nhưng tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm không đạt hiệu quả

Tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 2017 mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết vào tháng 7-2018, TAND Tối cao sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất không tổ chức phiên tòa lưu động.

Ảnh hưởng đến người thân bị cáo

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, mỗi phiên tòa cần bảo đảm quyền con người, khi chưa tuyên án thì bị cáo chưa phải tội phạm. Xét xử lưu động gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân của họ.

"Nhiều vụ án xét xử lưu động đã khiến các cháu có hành động quá khích, bỏ nhà đi bụi đời. Như vậy vô hình trung đã gây ra hậu quả đáng tiếc" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình băn khoăn.

Mỗi năm, ngành tòa án phải chi 70 tỉ đồng cho việc tổ chức các phiên tòa lưu động. Đó là chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ cho các phiên tòa này. Theo thống kê của TAND Tối cao, trung bình mỗi năm, tòa án các cấp xét xử khoảng 9.000 vụ án hình sự, chiếm 12%-14% tổng số các phiên tòa.

Tòa lưu động: Tốn kém, hệ lụy xấu - Ảnh 1.

Một phiên tòa xét xử lưu động ở quận 4, TP HCM Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thực tế, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra do tổ chức các phiên tòa lưu động. Vào tháng 12-2013, TAND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định xét xử lưu động vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thanh Kỳ. Trước đó, bị cáo này đã tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo và đã được cơ quan tố tụng cho tại ngoại chờ ngày xét xử. Một ngày trước phiên xử lưu động, do xấu hổ rồi áp lực từ gia đình, Kỳ đã uống thuốc độc tự tử.

Đặc biệt, thời gian qua, một số vụ thảm sát chấn động dư luận cũng được đưa ra xét xử lưu động. Tháng 10-2015, TAND tỉnh Yên Bái đưa bị cáo Đặng Văn Hùng (26 tuổi, kẻ gây ra vụ thảm án 4 người) ra xét xử lưu động tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Văn Yên. Hàng ngàn người đã tập trung theo dõi phiên tòa, nghe bị cáo Hùng khai tường tận hành vi dùng hung khí giết 4 người trên nương, sau đó bỏ trốn như thế nào.

Sau đó 2 tháng, phiên tòa xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước cũng được tổ chức lưu động. Bị cáo Nguyễn Hải Dương và đồng phạm ra tòa với sự chứng kiến của khoảng 4.000 người. Địa điểm diễn ra phiên tòa là một khu đất rộng 4 ha, nằm trong khu trung tâm hành chính huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc bảo đảm an ninh cho phiên tòa.

Báo cáo Quốc hội

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, từng tham gia hàng trăm phiên tòa xét xử lưu động. Ông cho biết hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình là nên bỏ xét xử lưu động.

"Những năm 1980-1990, hệ thống tuyên truyền phổ biến pháp luật của nhà nước còn yếu, rất cần phiên tòa lưu động để tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhiều người dân. Nhưng bây giờ, phương tiện truyền thông phát triển, có thông tin từ trung ương đến địa phương nên mọi người chỉ theo dõi trên đó" - thẩm phán Trương Việt Toàn nêu.

Thực tế, nhiều phiên tòa xét xử lưu động do ông Toàn làm thẩm phán không có người dân nào đến dự, chỉ có HĐXX và bị cáo cùng lực lượng an ninh. Việc huy động lực lượng lớn như vậy gây lãng phí lớn.

Ngoài ra, theo thẩm phán Toàn, mỗi lần đi xét xử lưu động, HĐXX rất nhếch nhác, giảm đi vẻ tôn nghiêm của pháp luật, từ khâu chuẩn bị vành móng ngựa đến lực lượng an ninh bảo vệ mà chỉ cần sơ suất là để lại hậu quả rất lớn.

Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về quyền con người nên phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. "Thời điểm đưa ra xét xử, người ta vẫn còn quyền cơ bản của con người, xét xử lưu động như vậy là bêu riếu người ta. Nếu theo tiền lệ quốc tế và công ước quốc tế thì xét xử lưu động như vậy là không phù hợp" - thẩm phán Toàn nhấn mạnh.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cũng cho rằng nên bỏ phiên tòa xét xử lưu động vì không còn phù hợp với thực tiễn nhận thức và giáo dục pháp luật hiện nay. Nội quy phiên tòa là cấm người dưới 16 tuổi tham dự nhưng nhiều phiên tòa xét xử lưu động tội hiếp dâm, giết người hàng loạt… vẫn có nhiều trẻ em tham dự. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em.

Luật sư Tuấn Anh cho biết nếu xét xử tại trụ sở sẽ giúp HĐXX có tâm lý thoải mái, bình tĩnh, đưa ra phán quyết chính xác hơn. Trong khi đó, xử lưu động không có lợi cho việc xét hỏi, điều tra công khai tại tòa. Quá trình xét xử có xuất hiện chứng cứ mới mà trong quá trình nghiên cứu hồ sơ HĐXX không phát hiện, nếu cứ tuyên án thì sẽ bị hủy sửa, còn hoãn xử thì tốn kém.

Đi ngược tinh thần Hiến pháp

Về nguyên tắc suy đoán vô tội, luật sư Tuấn Anh cho rằng đem bị can, bị cáo đưa ra phiên tòa xét xử lưu động là đi ngược với tinh thần của Hiến pháp và Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới có hiệu lực năm 2018.

"Mục đích hình phạt trong Luật Hình sự ngoài yếu tố răn đe ra còn cả yếu tố giáo dục. Yếu tố giáo dục hiệu quả cao nhất là cho tù nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng nhưng việc xét xử lưu động dường như ngăn chặn nỗ lực này. Trong phiên tòa xét xử lưu động, bị can, bị cáo và người thân của họ sẽ còn bị ám ảnh mãi" - luật sư Tuấn Anh phân tích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo