Năm học này, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thời điểm công bố đồng loạt việc tuyển sinh đầu cấp các lớp mầm non, lớp 1 và 6 tại các quận, huyện sẽ chậm hơn các năm. Trong khi đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng thay đổi thời gian tuyển sinh.
Nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp
Theo UBND TP HCM, ngoài bảo đảm 100% học sinh (HS) lớp 1 được học 2 buổi/ngày để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Các quận, huyện cũng xây dựng kế hoạch những năm tiếp theo cho các lớp còn lại học 2 buổi/ngày.
Vì ảnh hưởng dịch bệnh, thời điểm công bố kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp tại các quận, huyện đều chậm hơn so với các năm trước đây. Cụ thể, bậc mầm non sẽ công bố kết quả vào ngày 20-7, công tác tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1-7. Đối với tuyển sinh lớp 1, việc tuyển sinh sẽ bắt đầu từ ngày 1-7 và công bố kết quả vào ngày 31-7.
Trường học ở TP HCM bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 cho học sinh Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, việc tuyển sinh vào lớp 6 vẫn thực hiện xét tuyển ở các trường THCS. Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa kết hợp xét tuyển và tham gia khảo sát năng lực bằng tiếng Anh để vào lớp 6. Đối tượng tuyển sinh vào lớp 6 trường này là những HS đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học, có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm mỗi môn tiếng Việt và toán đạt từ 9 điểm trở lên của năm học lớp 5. Ngoài ra, HS còn tham gia bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh với thời gian 90 phút. Ngày tiến hành khảo sát là 25-7. Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 trường này, HS vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo quy định của ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện.
Tuyển sinh vào lớp 6 sẽ công bố vào ngày 5-8. Đặc biệt, UBND TP HCM cũng nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh
Cuộc đua vào lớp 10 vẫn căng thẳng
Theo thống kê, dù số HS lớp 9 năm nay ra trường ở một vài quận, huyện thấp hơn hoặc bằng năm ngoái nhưng không vì thế mà kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay bớt căng thẳng.
Tại quận Tân Phú, theo ông Tạ Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận, năm nay có khoảng 5.700 HS lớp 9 sẽ ra trường, trong khi năm trước, con số này là 6.500 HS.
Còn tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho hay năm nay số HS tốt nghiệp lớp 9 vào khoảng 6.200 em, tương đương với năm ngoái.
Năm học 2019-2020, TP HCM có hơn 80.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập trong khi chỉ tiêu tuyển chỉ hơn 67.000 thí sinh và đã có hơn 13.000 thí sinh bị loại.
Năm học này, dự kiến số lượng HS tốt nghiệp THCS dự thi vào lớp 10 tương đương năm ngoái, trong khi mỗi năm TP sẽ giảm thêm 3% chỉ tiêu vào các trường công lập để đáp ứng yêu cầu phân luồng. Số thí sinh dự thi giữ nguyên, trong khi chỉ tiêu giảm dần theo các năm khiến cuộc đua lớp 10 dự báo tiếp tục căng thẳng.
Năm nay, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM sẽ diễn ra vào hai ngày 16 và 17-7, HS vẫn dự thi 3 môn là toán, văn và ngoại ngữ. Đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Đối với tuyển sinh lớp 10 tại các trường, lớp chuyên, ngoài dự thi thêm môn chuyên, HS phải đạt các điều kiện như: tốt nghiệp THCS tại TP HCM, xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp 6, 7, 8 từ khá trở lên và xếp tốt nghiệp THCS đạt loại giỏi.
Riêng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được nhận HS tốt nghiệp THCS ở các tỉnh khác dự thi nếu có đủ điều kiện theo quy định của kỳ thi.
Đề xuất lớp 1 học 3,5 ngày/tuần
Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Nguyễn Thanh Thủy cho biết đặc thù Gò Vấp là quận có HS tăng dần đều theo các năm trong khi trường lớp không đáp ứng kịp. Để bảo đảm 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày sẽ là một khó khăn không nhỏ với những quận, huyện gặp áp lực về sĩ số.
Quận Gò Vấp dự kiến có khoảng 8.000 HS vào lớp 1. Nếu tập trung cho lớp 1, khả năng sẽ phải cắt 2 buổi/ ngày và bán trú ở các khối lớp trên nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. "Vì thế, nếu được, có thể chia đôi khối lớp 1, mỗi khối học 3,5 ngày, một nửa khối học vào thứ hai, tư, sáu và một nửa vào ba, năm, bảy.
Thực tế HS lớp 1 mỗi ngày chỉ học 7-8 tiết, mỗi tiết 35 phút. Kéo dài thời gian học mỗi ngày thêm vài tiết cũng không sao. Giờ hoạt động, vui chơi có thể bố trí xen kẽ. Như vậy vừa hoàn thành chương trình, không bỏ phí trường lớp ngày thứ bảy mà vẫn không xáo trộn các khối khác trong tình hình trường, lớp chưa xây kịp" - ông Thủy đề xuất.
Bình luận (0)