Ngoài việc nạo vét, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM vớt rác mỗi ngày với khoảng 10 tấn. Dù môi trường khu vực này được cải thiện hơn nhưng lượng rác vẫn phát sinh mỗi ngày.
Lượng rác này từ đâu ra? Để tìm câu trả lời, phóng viên Báo Người Lao Động theo chân công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM và tham gia vớt rác trên kênh.
Phóng viên Báo Người Lao Động tham gia vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
"Lính mới" được truyền nghề
Hơn 5 giờ ngày 28-12-2012, tôi có mặt tại bến tàu của Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận. Trời còn sớm, không gian mờ sương nhưng anh em công nhân đã tập trung. Họ nói chuyện rôm rả trong khi tay thoăn thoắt chuẩn bị đồ nghề nào vợt, cào, móc câu, thùng đựng rác…
Đưa bộ đồ bảo hộ lao động kèm áo phao cho tôi, anh Trần Văn Tài, người có thâm niên 10 năm trong nghề, yêu cầu tôi "nai nịt" chu đáo để an toàn khi đi trên sông nước.
Không chần chừ, tôi lập tức nghe lời và được sắp xếp đi cùng tàu với anh Tài và tài công Trương Thái Hòa xuôi theo con nước từ bến tàu đến cầu Thị Nghè. Cùng xuất phát có thêm 2 tàu khác. Cứ 2 người đi chung 1 tàu. Một người vừa lái tàu vừa điều khiển tay cẩu để vớt rác to, người còn lại chịu trách nhiệm móc rác, vớt rác lên.
Tàu chúng tôi trôi chậm rãi trên lòng kênh. Trên tàu, 2 chiếc te (dùng gom rác về mép tàu) được mở rộng để hứng rác trôi lềnh bềnh. Tôi bắt đầu cầm vợt - là lồng bằng sắt nối với cây gỗ dài hơn 2 m, nặng khoảng 5 kg. Mỗi khi đưa vợt xuống nước múc rác cho lên thùng, cổ tay tôi đau điếng vì gánh trọng lượng gần 10 kg.
Có những lúc tàu nghiêng vì sức nặng của rác
Thấy tôi khó nhọc, anh Tài hướng dẫn: "Thao tác nhanh để tay đỡ chịu lực nặng. Lúc đầu không quen nhưng vài lần sẽ quen".
Được chỉ "bí kíp", tôi bình tĩnh chờ lượng rác gom lại mép tàu nhiều hơn rồi gồng tay, vớt nhanh và dứt khoát. Quả thật có dễ dàng hơn nhưng đôi tay tôi vẫn đau ê ẩm, có lẽ vì là phụ nữ và chưa thành thạo.
Tỉ mỉ với từng loại rác
Đang với tay móc vài chiếc hộp xốp mấp mé bờ kênh, chúng tôi phát hiện một bao ni-lông to. Tài công điều khiển tàu tiến lại, càng đến gần, mùi hôi thối bốc lên... Nhìn kỹ, tôi giật mình khi trong túi là xác một chú chó đã chết nhiều ngày, đang trong giai đoạn trương sình. Anh Tài vội dùng móc câu kéo lại, nhanh chóng cho xác chó lên thùng rồi nhắc tôi nhanh tay vớt hết rác dưới te lấp vào.
"Vớt xác chó, xác mèo hay xác chuột là chuyện bình thường của anh em công nhân. Để xử lý, anh em cho xác động vật nằm dưới đáy thùng rác rồi dùng rác khác lấp lên. Tuy có mùi hôi nhưng phải chịu đến khi tàu về bến" - anh Tài giải thích.
Rất nhiều rác, từ chai lọ, tấm nệm đến xác động vật bị quăng xuống kênh
Đến đoạn đường Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, quan sát từ xa, anh Tài yêu cầu tàu ghé sát vào. Đúng là con mắt "nhà nghề", khoảng 10 vỏ chai bia kèm nhiều hộp xốp, túi ni- lông nổi lềnh bềnh hiện rõ sau đó. Tôi và anh Tài lập tức đưa chúng lên.
"Đây có thể là sản phẩm của cuộc nhậu bên bờ kênh hôm qua, trên kênh thường xuất hiện rác này" - anh Tài nhún vai.
Hì hụi với vợt sắt trên kênh chỉ khoảng nửa giờ, 1 thùng 250 lít đã đầy "chiến lợi phẩm" gồm lục bình và rác. Thêm khoảng thời gian tương tự thì 2 thùng không còn chỗ chứa. Tôi nhận xét vui "như thế là rác ít". Đáp lại, anh lắc đầu: "Sáng nay, trước lúc chúng ta đi đã có 1 tàu đi trước và mang về 6 thùng đầy ắp. Tàu mình chỉ vớt rác còn sót thôi".
Càng về phía cầu Thị Nghè, đoạn gần sông Sài Gòn, nước kênh thêm sạch hơn. 8 giờ, tàu đến đoạn đường Trường Sa, phường 16, quận Bình Thạnh thì bất ngờ gặp phải một tấm nệm to như chiếc giường đôi nổi lềnh bềnh. Rất nhanh chóng, tài công Trương Thái Hòa hướng mũi tàu tới và điều khiển cần cẩu đưa nó lên.
Đứng trên tàu, chúng tôi cảm nhận rõ độ nghiêng khi cần cẩu làm nhiệm vụ. "Tấm nệm này thấm nước lâu, nặng phải 200 kg nên tàu nghiêng nhưng yên tâm" - anh Tài trấn an trước ánh mắt lo lắng sợ "tõm" xuống nước của "lính mới" là tôi.
Theo anh Tài, không chỉ nệm mà ghế sofa, bồn rửa tay… cũng bị quăng xuống kênh. Gặp những thứ này, có khi phải mất 10 phút mới vớt được chúng.
Ý thức "sạch" thì kênh xanh
Trên đường trở lại bến tàu, tôi đã hiểu vì sao liên tục vớt mà rác vẫn cứ nhiều. Theo đó, ngoài lượng rác phát sinh mỗi ngày ở khu vực kênh thì rác từ các nhánh rạch nhỏ như rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) cũng đổ ra đây không ít. Để ngăn bớt lượng rác từ con rạch này, công nhân đội vớt rác đã dùng dây chặn lại ở điểm giao nhau.
Đứng chờ tại bến tàu, ông Phan Học Hải - Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM) - thoải mái nói chuyện nghề. Ông cho biết mình cùng nhiều anh em gắn bó 10 năm với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên không lạ gì những điều tôi vừa mục sở thị. Rác trên kênh gồm lục bình và rác sinh hoạt. Có năm lục bình mọc xanh cả đoạn kênh, vớt rất vất vả. Còn nay, trung bình mỗi ngày, anh em công nhân vớt khoảng 8-10 tấn rác, trong đó hơn 60% là rác sinh hoạt.
Ánh mắt trầm tư, ông Hải cho biết từ tháng 9-2022, lượng rác sinh hoạt có chiều hướng tăng trong khi lục bình giảm. Không chỉ chai nhựa, túi xốp mà những vật dụng cũ cũng bị nhiều gia đình tống xuống kênh. Nhìn dòng kênh xanh đang hồi sinh mỗi ngày lại phải hứng chịu rác, người đội trưởng cảm thấy "rất xót xa".
"Chúng tôi rất tự hào vì góp phần giữ cho lòng kênh thêm xanh, bởi nhiều du khách đến đây khi đi thuyền trên sông đều thích thú, chụp ảnh. Rất mong mỗi người dân cùng chung tay giữ gìn lòng kênh để nó trở thành "đứa con tinh thần" của thành phố" - ông Hải ví von.
Chưa đầy 1 giờ, 2 thùng rác đã không còn chỗ chứa
Chia tay những công nhân ở bến tàu, chúng tôi men theo đường Hoàng Sa, Trường Sa để ngắm dòng kênh từ trên cao. Thật xót khi trên bờ kênh nhiều đoạn vẫn còn vương vãi ly nhựa, hộp xốp của ai đó để lại. Ngoài ra, một số rác được treo trên thành cầu gây mất thẩm mỹ.
Càng về những đoạn cuối kênh từ cầu số 1 đến cầu số 10, do ở cuối nguồn nên lượng bùn và rác từ cửa sông đổ về nhiều. Lo nhất là khi nước rút, con kênh trơ đáy toàn bùn và rác.
Đứng tư lự hồi lâu, tôi nhớ lại lời của anh Tài: "Thấy người dân sốt ruột chụp ảnh, báo chí cũng đưa lên nhưng anh em công nhân không làm được gì mà phải chờ nước lớn mới cho tàu đi vớt. Bởi vớt rác trên kênh không đơn giản như quét rác trên đường, phải canh theo con nước mỗi ngày. Nếu nước rút, đi qua là mắc cạn, phải chờ 3 - 4 giờ nước lớn mới đi được".
Nhiều đoạn kênh còn xấu xí
Ngày 3-1, nhiều người khi đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tỏ ra bất an bởi một đoạn dài lòng kênh trơ đáy, bùn đen sệt, nước đen kịt kèm mùi hôi thối.
Tình trạng này xuất hiện nhiều từ cầu số 1 đến cầu số 9 (quận Tân Bình đến quận 3). Dưới lòng kênh tồn đọng nhiều rác thải. Đa số là rác thải nhựa khó phân hủy như túi ni-lông, chai nhựa, hộp xốp...
Nước kênh Tàu Hủ sáng 3-1 có màu đen Ảnh: ANH VŨ
Trong khi đó, tại bến Bình Đông (quận 8), kênh Tàu Hủ đang trong giai đoạn cải thiện môi trường nước cũng có tình trạng tương tự. Lòng kênh nhiều thời điểm trơ đáy, rác đầy mặt sông kèm mùi hôi thối khiến ai đi qua cũng ngán ngẩm. A.Vũ
Bình luận (0)