Để dứt khoát thực hiện việc nào đó với nỗ lực cao nhất, chúng ta thường dùng khái niệm "hạ quyết tâm".
"Nâng cao quyết tâm" cũng có nghĩa tương đương. Hai từ tưởng như nghịch ý mà kỳ thực đồng nghĩa này thể hiện sự phong phú của tiếng Việt.
Suy rộng ra, đặc điểm ngôn ngữ thể hiện một phần của văn hóa. Sự "xuề xòa, đại khái, tới đâu tính đó, thế nào cũng được" dù được nâng lên tầm "tùy cơ ứng biến" thì cũng đều gặp nhau ở đặc điểm "linh hoạt".
Sự linh hoạt này rất cần thiết, nhất là với đặc điểm nước ta xuất phát từ nền văn minh lúa nước, lịch sử lao động sản xuất dựa theo sự thay đổi của thời tiết 4 mùa. Đó cũng là tư duy phổ biến trong các phương pháp chống giặc ngoại xâm, vực dậy và làm giàu đất nước…
Tuy nhiên, khi một bộ phận cựu quan chức, doanh nhân cố ý làm biến tướng phẩm chất linh hoạt đó, đặc biệt là trong ngôn ngữ, thì đó là mối nguy hiểm không hề nhỏ.
Cựu CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện
Soi vào các vụ án đình đám gần đây thấy các bị cáo từ chủ mưu tới đồng phạm đều ít nhiều mang bóng dáng của "tắc kè hoa" – đổi màu liên tục theo tình huống.
Cựu CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện giai đoạn là "trùm bất động sản" luôn tuyên truyền sứ mệnh Alibaba không chỉ bó hẹp trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Hỗ trợ nhà đầu tư, khuyến khích người dân có nơi an cư, đời sống khấm khá cũng là một trong những nội dung cựu CEO này tác động vào đầu nhân viên và những bị hại.
Rồi khi ra tòa, bị cáo Luyện dù vẫn chối bỏ cái "sứ mệnh" ấy hình thành trên nền vi phạm luật pháp nhưng buộc phải thừa nhận từng gom góp, vơ vét hàng ngàn tỉ đồng của những người dân Alibaba "muốn hỗ trợ, giúp đỡ cho cuộc sống tươi hơn".
Cựu bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành đút túi 14,5 tỉ đồng trong vụ án liên quan Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ông Thành tự nhận mình là người sống rất tình cảm và có ý nguyện làm từ thiện. Số tiền phủ bóng xuống đạo đức công vụ, lạ kỳ thay, được ông này lý giải dùng gần hết để tặng bạn bè, người neo đơn, học sinh nghèo, xây nhà tình nghĩa… Trong khi nguồn gốc 14,5 tỉ đồng khắc phục thì ông không nói có phải tích lũy từ cuộc đời công chức của mình không.
Số tiền phủ bóng xuống đạo đức công vụ, bị cáo Trần Đình Thành nói dùng để... làm từ thiện
Thời điểm đạo mạo, mũ cao áo dài có lẽ ông không nghĩ tới khả năng phải khoác lý do "tình cảm, từ thiện" lên người nhằm xin sự cảm thông từ HĐXX?.
Trong vụ án xảy ra tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận sai và "đã suy nghĩ cảm tính" khi giao hàng trăm ha đất vàng với giá bèo cho doanh nghiệp.
Một "chữ ký cảm tính" mà bay vèo vài trăm tỉ đồng, có lẽ nằm trong top những chữ ký gây xót xa nhiều nhất. Nhưng quan trọng nữa, với vị trí một nhân vật từng được cho là hiểu biết và có tinh thần trách nhiệm nhất, ông này vẫn cố tình thể hiện sự mơ hồ về kiến thức luật pháp như một tình tiết để mong thông cảm khi nói mình có phần oan ức, và "…nếu HĐXX tuyên có tội thì với việc gia đình đã nộp 300 triệu đồng để khắc phục, xin HĐXX xem là tình tiết giảm nhẹ" (!).
Ngoài những kiểu "đổi màu ngôn ngữ" ở trên, nhiều vụ án mà bị cáo ra tòa với lấp lánh những lời kể công cùng giấy tờ chứng nhận thành tích nhằm che chắn cho số phận pháp lý nặng nề khiến công luận càng nhìn rõ bản chất ngụy biện, lập lờ công/tội của họ.
Sự "linh hoạt" như nói ở trên đã bị biến chất, sa đà sang lẻo mép.
Hay, nói như các cơ quan tố tụng là "ngoan cố, quanh co".
Tư thế sau "chỏi" với tư thế trước, lời nói lúc này phủ nhận hành vi lúc khác… thì phải nói thẳng rằng đó là cách ứng biến thiếu liêm sỉ. Nó không thể và không được phép tồn tại trong xã hội trọng sự thẳng thắn, thành thật, rạch ròi trắng đen hiện nay.
Bình luận (0)