Ngày 23-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017. Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết thời gian qua, nạn mua bán người diễn biến phức tạp, tập trung qua các tuyến đường bộ dọc biên giới Việt Nam và Trung Quốc, Lào, Campuchia.
90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc
Theo ông Lê Quý Vương, trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can. Đã kết luận điều tra, chuyển VKSND các cấp đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó phụ nữ, trẻ em chiếm trên 90%, đa số thuộc các dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Thứ trưởng Bộ Công an cho biết nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm hơn 98%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc, với tỉ lệ trên 90%.
Nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn với người dân bản địa và bị bóc lột tình dục chiếm gần 80%. Trong số hơn 3.000 nạn nhân mua bán người đã được phát hiện, số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, trong đó số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo giải trình về công tác phòng, chống mua bán người Ảnh: QUOCHOI.VN
Thứ trưởng Bộ Công an nhận định thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân có xu hướng thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, thế nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Pha, các đối tượng phạm tội giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân (dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên Facebook, mặc lễ phục bộ đội biên phòng nhằm làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân...). Có đối tượng khi phát hiện phụ nữ Việt Nam đi lao động, đi chợ hoặc phụ nữ, trẻ em làm nương ở khu vực giáp biên đã kiểm tra giấy tờ, vờ cho đi nhờ xe rồi cưỡng ép, bắt cóc đưa sang bên biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.
Mức hỗ trợ chỉ đủ cầm hơi
Bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng công tác hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân các vụ mua bán người sau khi trở về còn hạn chế, thậm chí là rất thấp. Bà Hoa lấy dẫn chứng mỗi nạn nhân sau khi được giải cứu đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội các địa phương chỉ được nhận mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày. "Số tiền này chỉ đủ nạn nhân cầm hơi, thoi thóp. Mức hỗ trợ này không phù hợp với một nạn nhân sau khi băng rừng vượt suối, chịu đói chịu rét, suy kiệt sức lực để trở về Việt Nam" - bà Hoa nhấn mạnh. Bà Hoa tiếp tục chỉ ra bất cập trong mức hỗ trợ tiền thuốc men chỉ là 50.000 đồng/người, không đủ để mua bông băng, thuốc sát trùng.
Theo quy định hiện hành, mỗi nạn nhân mua bán người sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Hoa cho biết nhiều nạn nhân đã chấp nhận từ bỏ số tiền hỗ trợ này vì thủ tục quá phức tạp, nhiêu khê. Bà kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế quan tâm các nạn nhân mua bán người sau khi trở về Việt Nam sẽ tái hòa nhập cộng đồng như thế nào. Bởi thực tế hiện nay, công việc này đang bị lãng quên, kéo theo đó là sự hỗ trợ về dạy nghề, công ăn việc làm cũng chưa đúng mức.
Được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu làm rõ tổng kinh phí của chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết tổng kinh phí được phê duyệt cho chương trình giai đoạn 2011-2015 là 720 tỉ đồng, song thực tế thực hiện thì không được như vậy. Kinh phí trung ương dành cho trên dưới 8 tỉ đồng, còn lại nằm trong kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành nên gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình thêm: Toàn bộ chương trình mục tiêu trợ giúp xã hội năm 2016-2020 mà Chính phủ phê duyệt thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có 38 tỉ đồng dành cho 5 năm. Về mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận là thấp nhưng không phải thấp nhất trong các đối tượng bảo trợ xã hội. Ông Dung lấy dẫn chứng về việc các đối tượng khác như người già, trẻ em, người tàn tật, người cô đơn mỗi tháng chỉ được trợ cấp 540.000 đồng. Trước thực tế này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến tại phiên giải trình để đề xuất nâng mức hỗ trợ.
Đi hiến tạng để bán nội tạng
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, thời gian qua, bên công an chưa thụ lý điều tra vụ án mua bán nội tạng. Tuy nhiên, việc mua bán nội tạng trong thực tế có xảy ra nhưng là do tự nguyện, trong đó có nhiều người sang Trung Quốc tự nguyện bán thận.
Về vấn đề này, tham gia giải trình tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận có tình trạng lợi dụng đi lao động ở nước ngoài hoặc lấy danh nghĩa hiến tạng để bán nội tạng.
Bình luận (0)