Vùng nuôi tôm Đông Điền thuộc xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có gần 25 ha diện tích hồ nuôi. Thời gian qua, nơi này được xem là một trong những vùng nuôi tôm an toàn nhất ở Bình Định vì được thực hiện theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên, ở vụ 2 nuôi tôm năm nay, nhiều nông dân nơi này đã "méo mặt" vì tôm chết hàng loạt.
Cũng như những năm trước, vụ 2 nuôi tôm nước lợ năm nay, ông Phan Văn Chạy (ngụ thôn Đông Điền, xã Phước Thắng) thả nuôi tôm thẻ chân trắng tại 2 hồ với diện tích gần 1 ha. Sau khi tôm thả được 1 tháng, do nắng nóng kéo dài dẫn đến nhiệt độ nguồn nước trong hồ tăng cao khiến tôm của ông Chạy bị sốc nhiệt, chết hàng loạt. Sau đợt nắng nóng, nơi này lại xảy ra mưa. Nhiệt độ đang ở mức cao bỗng đột ngột tụt xuống thấp, tôm tiếp tục lại bị sốc môi trường nên lại chết.
Theo ông Chạy, vụ 2 nuôi tôm năm nay, gia đình ông đã chi ra gần 100 triệu đồng để mua tôm giống, chi phí cải tạo hồ và mua thức ăn. Do thời tiết diễn biến bất thường nên vụ nuôi tôm này gia đình ông coi như mất trắng số tiền đầu tư.
"Tôm nuôi chỉ thích nghi với ngưỡng nhiệt độ 26-27 độ C nhưng cách đây hơn 1 tháng, nhiệt độ tăng đến 39-40 độ C nên chúng chịu không nổi. Đang nắng nóng, sau đó trời mát kéo dài khiến vi sinh vật phù du trong hồ nuôi hoại tử chết dần, dẫn tới mất cân bằng môi trường sinh thái nguồn nước trong hồ. Điều này đã khiến tôm nuôi mất sức đề kháng, không còn đủ sức chống chịu với tác động bất lợi của môi trường" - ông Chạy giải thích.
Người dân tại vùng Đông Điền lo lắng vì tôm chết hàng loạt do sốc môi trường
Không riêng gì ông Chạy, vụ 2 năm nay, hàng chục hộ dân ở vùng nuôi tôm Đông Điền cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi tôm cộng đồng thôn Đông Điền, cho biết ở vụ 2 nuôi tôm này, khi tôm vùng Đông Điền bị chết hàng loạt do sốc nhiệt, nhiều người nóng ruột nên muốn bán gỡ gạc.
Tuy nhiên, thời điểm này đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát nên việc đi lại bị hạn chế, thương lái không thể đến thu mua tôm. Trong khi đó, muốn mang tôm ra chợ bán cũng không được vì địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
"Tiến thoái lưỡng nan, chúng tôi đành để tôm nuôi tiếp thì lại bị sốc môi trường do nắng mưa thất thường, nhiệt độ giảm đột ngột, khiến tôm chết hàng loạt. Bởi vậy, hầu hết người nuôi tôm vụ 2 ở thôn Đông Điền đều bị lỗ nặng" - ông Tâm chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, tính đến thời điểm này, trên địa bàn đã có hơn 20 ha tôm nuôi vụ 2 thuộc 2 xã Phước Thắng và Phước Thuận bị chết do bị sốc môi trường. Trong đó, tại vùng nuôi tôm ở xã Phước Thắng nặng nhất với khoảng 15 ha.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tôm vụ 2 năm nay được người dân địa phương thả nuôi hơn 1.862 ha diện tích mặt nước, tập trung ở huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh là 492 ha, còn lại là nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến.
Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết theo quy luật của thời tiết, tôm nuôi vụ 2 sẽ đối mặt với nắng mưa bất thường nên ngành chức năng khuyến cáo người nuôi thả giống thưa hơn vụ 1 để hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh về môi trường. Do đó, trong vụ 2, các vùng nuôi tôm trong tỉnh đều thả tôm giống có mật độ thấp, giảm chỉ còn 70% so với vụ chính.
Bình luận (0)