Sáng nay 12-11, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, đợt hoạt động quan trọng nhất của năm ASEAN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chào mừng hội nghị.
Các đại biểu dự lễ chào cờ - Ảnh: Ngô Nhung
Lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam dự sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Sau phần giới thiệu đại biểu và ca nhạc chào mừng, đúng 8 giờ 30 phút, các đại biểu dự Lễ chào cờ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Xem toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại đây
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Video clip Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng
"Mỗi lần tham dự hoạt động của ASEAN đều để lại cho tôi tình cảm ấm áp về tình đoàn kết, gắn bó như những người anh em trong một đại gia đình. Năm qua, tình cảm ấy càng được nhân lên khi các quốc gia thành viên ASEAN cùng chung tay gắn kết và chủ động thích ứng trước những thử thách, khó khăn mà khu vực Đông Nam Á và thế giới đang phải đối mặt"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mở đầu bài phát biểu.
Trong bối cảnh năm 2020 đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19, những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN.
Trong năm 2020, các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ cam kết chính trị ở cấp cao nhất đến các biện pháp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng của cả bộ máy cũng như giữa các quốc gia thành viên, chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Niềm tin của người dân đối với khả năng ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trong khu vực đều ở mức cao.
Trong khi một số thể chế đa phương đang gặp nhiều khó khăn thách thức, ASEAN đã thành công trong việc duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình trong năm qua. Các Đối tác tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Xu hướng đối thoại, hợp tác và liên kết có cơ sở ngày càng vững chắc trong bối cảnh khu vực và thế giới ngày nay.
Tuy vậy, con đường trước mắt còn không ít trở ngại. Định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu Covid-19 là một vấn đề lớn. Mong muốn và ý chí mạnh mẽ giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã và cần tiếp tục trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Tinh thần đó đã đưa Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh trong suốt 75 năm qua và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển phức tạp và khó lường hiện nay.
Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế cùa mình. ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung; Cộng đồng ASEAN là cơ sở quan trọng trong việc duy trì bản sắc của Đông Nam Á.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã từng khẳng định "Đoàn kết là sức mạnh". Chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khôi phục tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định và phát triền bền vững"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sau đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đây.
Sau lễ khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tham quan không gian tổ chức hội nghị, các phòng tổ chức hội nghị, triển lãm ảnh cũng như trung tâm báo chí của hội nghị.
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận tại Lễ khai mạc:
Chương trình văn nghệ chào mừng
Các đại biểu quốc tế tại lễ chào cờ
Lãnh đạo Việt Nam tại lễ chào cờ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Đây là hội nghị cấp cao cuối cùng của năm ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong cả năm, trong cả công tác hoạt động nội khối cũng như các hợp tác với các đối tác, đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.
Theo chương trình dự kiến, có 20 hoạt động ở cấp cao. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN như các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên Hiệp Quốc, Úc và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-NewZeland, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Mê Kông-Nhật Bản và Mê Kông-Hàn Quốc.
Sau phiên họp toàn thể cấp cao ASEAN vào hôm nay, sẽ có lễ công bố kết quả đánh giá giữa kỳ, kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Phục hồi tổng thể ASEAN. Cùng với đó là lễ công bố lập kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Tại cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23, ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Ngoài ra, trong khuôn khổ đợt hội nghị lần này, lần đầu tiên sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo của nhà nước, lãnh đạo chính phủ các nước ASEAN với chủ đề "vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19". Đại diện cho lãnh đạo nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu.
Các hoạt động khác được tổ chức trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao lần này có phiên đối thoại với đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, lễ khởi động chuỗi logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi bốn nội dung chính: Một là, về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua khó khăn, thách thức. Hai là, việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN. Ba là, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi. Thứ tư, trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua ghi nhận và công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay.
Lễ bế mạc Hội nghị và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 15-11. Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch chỉ là bước thủ tục, còn trên thực tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đến hết ngày 31-12-2020.
Bình luận (0)