Ngày 5-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2021; triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tới dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự hội nghị Chính phủ với các địa phương. Tại hội nghị vào các năm 2017, 2018, 2019 và 2020, Tổng Bí thư đều có các bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp thế giới phải chống đỡ, vật lộn với dịch Covid-19, làm thay đổi trạng thái tình hình vốn đã phức tạp, khó lường lại càng trở nên khó đoán định và khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, theo Thủ tướng, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, thiếu bền vững, không đồng đều, rất khó dự báo, nhất là làn sóng dịch bùng phát mạnh do biến chủng Delta tại nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới; gần đây lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã nhanh chóng thâm nhập vào Việt Nam.
Về tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết với những thuận lợi cơ bản, nhất là từ thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đúc rút được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý, từng bước xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là cơ sở quan trọng để chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…
Dù vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, thức thách rất lớn, chưa có tiền lệ, đó là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở nhiều địa phương do biến chủng Delta. Theo Thủ tướng, biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe của nhân dân.
"Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Tổng Bí thư, các lãnh chủ đạo chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, hợp lực và giám sát hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể; vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hôi - Ảnh: Nhật Bắc
Đối với hội nghị hôm nay, lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Bên cạnh đó, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành chuẩn bị có có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề cần thiết mà các địa phương quan tâm, mong muốn, yêu cầu và đề xuất. Các Phó Thủ tướng sẽ phát biểu, chỉ đạo thêm về những lĩnh vực được phân công phụ trách.
Trước khi kết thúc phần phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị này, Chính phủ, các địa phương rất mong đợi và vinh dự được Tổng Bí thư, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu, góp ý, chỉ đạo. "Những ý kiến sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tạo thêm động lực và bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ và các địa phương thực hiện hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tổng Bí thư: Nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu tiên triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới.
Tổng Bí thư: Nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến thời điểm này, có thể khẳng định chiến lược vắc-xin đã thực hiện thành công "đi sau, về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.
Về bức tranh kinh tế của Việt Nam năm qua, Tổng Bí thư lưu ý nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số điểm sáng được Tổng Bí thư đề cập là tăng trưởng GDP cả năm ước tăng 2,58%, thu ngân sách vượt dự toán, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỉ USD, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá ổn định…
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn do dịch bệnh, Tổng Bí thư cho biết việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân tiếp tục được quan tâm; việc dạy và học đã được tổ chức linh hoạt.
Tổng Bí thư đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu năm 2022 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp.
Theo Tổng Bí thư, cần tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin, nhanh chóng bao phủ cơ bản 2 mũi cho người được phép tiêm chủng. Đồng thời, bảo đảm đủ vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch và nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung thực hiện có hiệu quả, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tổng Bí thư cho rằng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn…
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư nhấn mạnh xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, quyết định của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm.
Nhấn mạnh 2 năm vừa qua và thời gian tới đây chúng ta tiếp tục phải đối mặt với "Kẻ thù vô hình - Covid-19", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa, phát huy kỷ cương, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bình luận (0)