xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng Bí thư: Nội dung Hội nghị Trung ương 8 liên quan trực tiếp việc chuẩn bị Đại hội XIII

Diệp Châu

(NLĐO)- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung Hội nghị Trung ương 8 bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đề ra và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư: Nội dung Hội nghị Trung ương 8 liên quan trực tiếp việc chuẩn bị Đại hội XIII - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 2-10, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8) khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định, lưu ý một số khía cạnh liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII. Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Nội dung của Hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh do Đại hội XII đã đề ra và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo

Theo Tổng Bí thư, việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước năm nay có nhiều nội dung mới, sâu rộng, dài hạn và toàn diện hơn so với 2 năm trước.

Cùng với Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2018 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2019, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng, trình Trung ương nhiều báo cáo quan trọng khác về đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các tài liệu; căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước 9 tháng qua, dự báo đến hết năm 2018 và đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018 và cho cả nhiệm kỳ khoá XII, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ở mức 6,5-6,7% năm 2018 và 6,5-7% cho 5 năm 2016-2020, thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển văn hoá-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia…

Đồng thời, phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng nhất và các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019 và các năm tiếp theo, cũng như cả nhiệm kỳ khoá XII.

Cố gắng tìm ra các chính sách, biện pháp đột phá, khả thi, phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình trạng căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nước lớn, những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính-tiền tệ và giá dầu thô thế giới. Khắc phục những hạn chế, yếu kém mà các báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ ra, như việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn.

Việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc. Nguồn lực để thực hiện chính sách văn hoá-xã hội còn hạn chế; một số chính sách chậm được ban hành hoặc chưa được tổ chức thực hiện tốt; chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền và các tầng lớp nhân dân còn lớn và có xu hướng gia tăng; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng con người, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp.

Các tệ nạn xã hội, ma tuý, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, cháy, nổ diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới…

"Vươn ra biển" là định hướng quan trọng

Nhấn mạnh đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ, Tổng Bí thư đề nghị nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, toàn diện các vấn đề để thống nhất nhận định, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế; phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới.

Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Chú ý tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém như: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển khó đạt được vào năm 2020. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên đầu tư nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông kết nối còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Quy hoạch các khu vực ven biển và một số ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đảo vẫn lớn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực ngày càng rõ nét. Đầu tư cho điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý nhà nước về biển, đảo còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

"Phải chăng, nguyên nhân chủ quan là do tổ chức thực hiện Nghị quyết không tốt; đã mắc phải những khuyết điểm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển các khu kinh tế, du lịch, dịch vụ biển và một số ngành kinh tế biển như đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt hải sản xa bờ…"- Tổng Bí thư nói.

Xem toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại đây

Hội nghị Trung ương 8 diễn ra trong 5 ngày từ 2 đến 6-10 với sự tham dự của 223 đại biểu, trong đó có 176 ủy viên Trung ương Đảng chính thức, 20 ủy viên dự khuyết và một số đại biểu khác.

Hội nghị sẽ thảo luận và thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách 2019; tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khoá X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; thảo luận và thông qua dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên trước hết là của ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH Trung ương.

Ngoài ra, Trung ương sẽ thảo luận việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII và làm công tác nhân sự cùng một số nội dung quan trọng khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo