Trong thông cáo báo chí phát đi chiều nay 4-9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dự án sửa chữa cầu Thăng Long được chính thức khởi công và bắt đầu thi công từ ngày 16-8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4-2020.
Cầu Thăng Long sẽ được tiến hành sửa chữa vào đầu tháng 8-2020 và 16-8. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý 4-2020
Về một số thông tin báo chí nêu liên quan đến các chuyên gia Trung Quốc trong dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đây là 2 kỹ thuật viên thực hiện công tác bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng UHPC của nhà thầu.
"Hiện tại các công tác chuẩn bị thi công bê tông UHPC vẫn được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến và việc nhập cảnh của các kỹ thuật viên không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Việc lựa chọn thiết bị là do nhà thầu trên cơ sở kinh tế - kỹ thuật và sẽ được kiểm tra chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án"- thông cáo nêu rõ.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng mục chủ yếu sau: Cào bóc lớp bêtông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa, dày tối thiểu 6 cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám, sau đó phủ mặt cầu bằng bêtông nhựa polyme dày 4 cm. Với những giải pháp này, sau khi được sửa chữa theo kết quả tính toán và thí nghiệm trên mô hình, độ cứng của bản mặt cầu đã tăng tối thiểu 3 lần.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nghe báo cáo tiến độ tại công trường sửa chữa cầu Thăng Long
Ngoài ra, dự án cũng sửa chữa các hạng mục khác để đồng bộ với mặt đường xe chạy như thay thế 6 khe co giãn đã bị hư hỏng; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông
Do tính chất phức tạp của Dự án nên Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập ban chỉ đạo dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cũng thành lập ban chỉ đạo dự án, đồng thời Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thành một tổ chuyên gia kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm về công nghệ này.
Giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của công tác thiết kế, thi công.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tất cả giải pháp công nghệ trên được Trường Đại học Giao thông Vận tải đề xuất từ quá trình học tập, vận dụng các kinh nghiệm, kết quả đã được công bố ở nhiều nước Châu Âu và áp dụng đầu tiên ở Hà Lan. Công nghệ này cũng dẫn hướng cho nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Như vậy, hai công nghệ chính yếu áp dụng vào dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đều xuất phát từ các trung tâm công nghệ tiên tiến châu Âu.
Về vật tư thi công dự án chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước, máy trang rải, đầm bêtông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…hoặc có thể tự chế tạo. Công tác cào bóc, làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, thi công lớp dính bám và thảm bêtông nhựa Polyme do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty Phương Thành thực hiện.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985.
Cầu Thăng Long có hai tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ôtô 10 tấn). Tầng trên là đường ôtô rộng 15 m, cho 4 làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5 m. Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) hơn 5,5 km, tính theo đường ôtô (tầng trên) hơn 3,1 km, theo đường xe thô sơ hơn 2,6 km.
Với tổng chiều dài toàn bộ cầu khoảng 10,7 km, Thăng Long là cây cầu dài nhất Việt Nam tính ở thời điểm đó. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chính. Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực. Các trụ dẫn cầu đều dùng móng cọc ống phi 55 cm. Cầu cũng được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, xứng danh với tên gọi "công trình thế kỷ", nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ.
Bình luận (0)