Cảnh ngập kinh hoàng vào buổi chiều 10-9 trên đường Đồng Khởi cho thấy mong muốn chống ngập của TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai chưa mang lại kết quả. Khi cơn mưa vừa ngớt, nước từ các hẻm vẫn tuôn ra như suối, nhiều đoạn chảy xiết cuốn trôi cả xe máy người đi đường.
Xe "bơi" trên phố
Thời điểm trên, tại khu vực trũng nhất của đường Đồng Khởi, đoạn dài hơn 500 m từ hầm chui đến trạm thu phí (địa bàn giáp ranh giữa phường Tân Phong và phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) biến thành sông. Người và xe không thể vượt qua, nếu ai cố gắng thì đành "ôm hận" với cảnh "bơi" trên phố. Đoạn gần cầu Đồng Khởi và mép các bờ suối, nước chảy cuồn cuộn cuốn hàng loạt xe máy, buộc nhiều người phải lao ra ứng cứu. Hai bên vỉa hè, những tiệm sửa xe máy quá tải. Ở những đoạn ít ngập của đường Đồng Khởi là hình ảnh kẹt xe không lối thoát, kéo dài nhiều ki-lô-mét.
"Nghe tin TP đã có nhiều phương án, dự án chống ngập khá quyết liệt trong thời gian qua, những tưởng mùa mưa năm nay đã bớt khổ, vậy mà một vài cơn mưa đổ xuống đã thấy thất vọng" - chị Diễm Chi (ngụ phường Trảng Dài), người ướt sũng vừa được người dân đẩy giúp xe máy lên vỉa hè, lầm bầm nói.
Cùng thời điểm, trên đường Võ Nguyên Giáp (đoạn qua địa bàn phường Phước Tân) cũng đã chìm trong biển nước. Tại địa điểm Khu Du lịch Vườn Xoài, hàng ngàn xe máy, ôtô lớn nhỏ ùn ứ trên một đoạn đường dài hàng cây số bởi đường ngập sâu không thể đi qua. Có khu vực nước ngập hơn nửa mét, nhiều xe bị chết máy, nhiều xe bị đẩy trôi đi theo dòng nước xoáy. Cảnh tượng càng lộn xộn hơn khi một số xe quay đầu đi ngược chiều nhằm thoát ngập. Một số người dân bên đường đã phải đội mưa phân luồng, tháo cả dải phân cách để giải tỏa ách tắc giao thông.
Liên quan vấn đề chống ngập trong thời gian dài ở TP Biên Hòa, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, từng đối thoại trực tiếp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Sau đó tỉnh và TP đã đề ra nhiều phương án quyết liệt, thiết thực. Tuy nhiên, đến nay việc chống ngập chưa triệt để. "Chống ngập vẫn là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu" - chỉ đạo gần đây về kế hoạch, phương hướng phát triển của TP Biên Hòa, ông Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh.
Đường Đồng Khởi, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngập sâu trong biển nước sau cơn mưa chiều 10-9
Cuộc sống đảo lộn
"Ngập trên đường Đồng Khởi không chỉ làm rối loạn giao thông, gây cảnh bơ phờ cho người dân mà còn đang từng ngày, từng giờ buộc nhiều nhà dân hai bên đường, trong các con hẻm phải sống chung với nó" - chị Diễm Chi nói. Theo chị, hiện có rất nhiều nhà dân, cứ hễ có mưa lớn là nước tràn vào tận phòng ngủ, dù ai cũng đã cố gắng dùng bao cát ngăn ngập. Từ đó, đã có những gia đình ngán cảnh ngập mà treo bảng bán nhà nhưng chẳng ai muốn mua hoặc trả giá rất rẻ. "Tất cả là do ngập gây ra. Chúng tôi thực sự quá khổ vì ngập rồi" - chị Diễm Chi bức xúc.
Anh Nguyễn Xuân Hòa (ở phường Trảng Dài) nói chỉ cần cơn mưa kéo dài trên 30 phút là toàn khu vực ngã ba Trảng Dài biến thành sông. Điều đáng nói, nước dâng cao thoát không kịp nên tràn vào nhà khiến mọi người trong gia đình ông phải quay cuồng chống ngập. Nhiều hộ dân khác tìm đủ cách khắc phục như nâng nền nhà, cải tạo hệ thống thoát nước, dùng vật dụng chắn trước cửa nhưng không "ăn thua".
Khổ nhất có lẽ là những người phải sống gần khu vực Cổng 11, phường Long Bình. Tại đây sau những trận mưa, có khi ngập sâu hơn 1 m. Theo khảo sát của UBND TP Biên Hòa, nguyên nhân gây ngập ở khu vực Cổng 11 là hệ thống cống thoát nước trên đường Bùi Văn Hòa, Quốc lộ 51 nhỏ hẹp dẫn đến quá tải, hướng thoát nước từ đường Võ Nguyên Giáp ra cầu Quan thường gặp chướng ngại, không được khơi thông thường xuyên. Ngoài ra còn do người dân xây dựng các công trình lấn chiếm dòng chảy, lượng rác thải sinh hoạt không kiểm soát cản trở dòng chảy.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ngập ở TP Biên Hòa hiện còn gây nỗi lo về sự nguy hiểm có thể xảy đến khi người dân đi qua các cây cầu dân sinh, cầu tạm không bảo đảm an toàn. Chẳng hạn như cầu Bà Lúa bắc qua suối Bà Lúa ở phường Long Bình Tân, dù đã xuống cấp nhưng sau mỗi trận mưa lớn là cây cầu chơ vơ trong biển nước xiết, rất nguy hiểm cho người qua cầu, nhất là mưa ngập thường xảy ra vào giờ tan tầm. Còn ở phường Trảng Dài - nơi có nhiều cầu nhỏ bắc qua các con suối thường chảy xiết trong mưa rất nguy hiểm, dù lãnh đạo phường nhiều lần đề nghị TP có biện pháp hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa các cây cầu này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Khắp nơi triển khai dự án chống ngập
Sau nhiều nỗ lực, thời gian gần đây, TP Biên Hòa thông tin ngoài nhiều dự án chống ngập đang triển khai, địa phương đã hoàn thành dự án chống ngập tại ngã năm Biên Hùng và khắc phục hơn 20 điểm ngập ở các tuyến đường như đường Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận...
Ngoài TP Biên Hòa, hiện tỉnh Đồng Nai còn đang gấp rút chống ngập cho nhiều địa phương khác. Cụ thể, TP Long Khánh đang trong quá trình triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của TP, dự án sử dụng vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc; huyện Trảng Bom đang thi công dự án tuyến thoát nước khu vực suối Đá; huyện Nhơn Trạch đã hoàn thành dự án tuyến thoát nước từ cầu Suối Cạn ra rạch Cái Sình và đang thực hiện dự án tuyến thoát nước từ KCN Nhơn Trạch 1 ra rạch Bà Ký; huyện Long Thành cũng đang triển khai hàng loạt dự án chống ngập ở thị trấn Long Thành.
Bình luận (0)