Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 10-8, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết TP HCM phấn đấu đến hết tháng 8-2021 đạt 70% dân số được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Đề nghị phân bổ 5,5 triệu liều vắc xin
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trước đó TP HCM đã có văn bản đề nghị phân bổ 5,5 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Theo thống kê, TP HCM hiện có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Thành phố có thể đạt tốc độ tiêm tối đa 300.000 liều/ngày theo công suất của 1.200 đội tiêm hiện nay. Về vắc-xin Vero Cell của Sinopharm, vẫn đang chờ ý kiến từ Bộ Y tế. Về thuốc Remdesivir điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã phân bổ cho TP HCM. Số thuốc này đã được đưa về các trung tâm hồi sức để kịp thời điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Hiện tại, thành phố đã tiêm hơn 3,3 triệu người, như vậy đạt 43% dân số trên 18 tuổi.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Quân y 175 Ảnh: NGUYỄN THẠNH
"Thời gian qua, nhiều F0 điều trị tại nhà ở các quận, huyện và TP Thủ Đức cho biết khi bệnh chuyển biến nặng như mệt mỏi, khó thở, nồng độ ôxy máu hạ thấp, chính bệnh nhân và người nhà đã liên hệ tới số điện thoại được cung cấp cũng như các bệnh viện, đường dây nóng Trung tâm Cấp cứu 115 nhưng đa số chưa liên hệ được (do các đầu dây liên tục bận) hoặc đã liên hệ được nhưng... chờ hoài không thấy nhân viên y tế đến hỗ trợ. Ngành y tế đang nỗ lực hết mình để khắc phục tình trạng này" - bác sĩ Nam nhấn mạnh.
576 tỉ đồng đã đến tay người nghèo
Tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Lê Minh Tấn khẳng định quan điểm của UBND TP HCM, Sở LĐ-TB-XH là không để một lao động nào thật sự khó khăn trên địa bàn mà không được chăm lo.
Đối với nhóm 1, không phải cứ lao động tự do đều được hỗ trợ mà phải bảo đảm các điều kiện sau: mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng (mức chuẩn cận nghèo của TP HCM giai đoạn 2021-2025); cư trú hợp pháp trên địa bàn TP HCM (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận); làm một trong 6 loại công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP HCM tại Công văn số 1749 ngày 30-5-2021.
Về kết quả hỗ trợ đợt 1 năm 2021, đến nay TP đã thực hiện hỗ trợ nhóm lao động hoãn việc hoặc nghỉ việc không lương đạt 92% (52.000/56.000 công nhân, người lao động); hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động theo Chỉ thị 16 là 5.800/5.800 hộ (đạt 100%); hộ thương nhân ở các chợ truyền thống trên địa bàn quận, huyện 15.000/16.500 trường hợp (đạt 90%); lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động 365.394 (đạt 100%) với tổng kinh phí 576 tỉ đồng.
Kịp thời hỗ trợ người khó khăn
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các quận, huyện làm sao để người nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn được hỗ trợ kịp thời. "TP HCM vận dụng tất cả điều kiện mà mình có để chăm lo người dân, cùng nhau vượt qua khó khăn. Do đó, Sở LĐ-TB-XH cần đẩy nhanh tiến độ, không sót, không trùng lắp, để sự trợ sức đến kịp thời với người dân gặp khó khăn lúc này" - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Bình luận (0)