Theo kế hoạch, ngày 8-3 diễn ra phiên đấu giá quảng cáo lần thứ 4 trên thân xe buýt tại TP HCM sau những lần thất bại trước đó. Tuy nhiên, lần đấu giá này tiếp tục không có hồ sơ nào đăng ký tham gia. Trong khi đó, so với những lần trước, lần đấu giá này có rất nhiều thay đổi.
Những lý lẽ chung chung
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia, trong lần đấu giá này, đơn vị đã chia nhỏ thành 11 gói thầu. Trong đó, gói thấp nhất gồm 5 tuyến và cao nhất là 8 tuyến. Các điều kiện để tham gia đấu giá và thuê quảng cáo cũng được linh động hơn khi cho phép đơn vị tham gia đấu giá lựa chọn thời gian thuê quảng cáo là 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, thay vì những lần trước áp dụng cố định 3 năm.
TP HCM hiện có hơn 2.000 xe buýt nhưng chỉ gần 500 xe đang được cho thuê quảng cáo, số còn lại vẫn “ế khách” Ảnh: TẤN THẠNH
"Trước thực trạng không có hồ sơ tham gia đấu giá, đơn vị đã gia hạn đến ngày 12-3 để tổ chức đấu giá lại. Trường hợp vẫn không đơn vị nào tham gia, đơn vị sẽ tiếp tục báo cáo, tham mưu để đề xuất lại các phương thức đấu giá quảng cáo phù hợp trên xe buýt" - ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết.
Đánh giá về nguyên nhân thất bại, ông Trung nhận xét một trong những điều chính yếu là khi chưa có khách hàng có nhu cầu quảng cáo thì DN buộc phải cân nhắc nên tham gia đấu giá hay không. Bởi theo Luật Đấu giá, mỗi đơn vị khi tham gia phải đặt cọc trước từ 5%-20% so với giá khởi điểm của gói thầu.
"Trong lần đấu giá này, mức đặt cọc đã áp dụng thấp nhất là 5% nhưng dù đấu giá thành công mà không có đối tác thì 5% đó DN bị mất nên họ e dè, không dám tham gia bởi có thể chịu lỗ" - ông Trung lý giải.
Ông Trung còn cho biết qua tìm hiểu thì một số DN nói hệ số thời gian khai thác của hợp đồng thuê quảng cáo trên thân xe buýt chưa phù hợp. Lý do là sau khi mua gói quảng cáo, DN mất thời gian làm việc với đối tác, dán quảng cáo, nghiệm thu…, sau đó mới thu được tiền từ quảng cáo. Vì vậy, thời gian thực tế của việc khai thác thấp hơn so với hợp đồng.
Ngoài những nguyên nhân trên, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, còn cho rằng là do nhu cầu quảng cáo của DN không còn như trước (!?). Đồng thời, việc quảng cáo trên xe buýt cũng khó cạnh tranh với sự đa dạng của nhiều loại hình khác, dù Sở GTVT đã liên tục điều chỉnh và nới lỏng các điều kiện, tạo sự linh hoạt - như thời hạn thanh toán, tỉ lệ ký quỹ, số lượng phương tiện ở từng gói…
Trước những lý lẽ trên của ngành giao thông, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo cho rằng không thuyết phục. Theo họ, tất cả đều chỉ là nhận định chung chung, trong khi lẽ ra ngành giao thông phải lăn xả vào tìm giải pháp để không gây lãng phí ngân sách thông qua số tiền quảng cáo xe buýt mang lại. Ít nhất, khi thất bại đến lần thứ 4 thì Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Sở GTVT phải ngồi lại xem giá sàn đấu giá vậy đã hợp lý chưa để kịp thời điều chỉnh, chứ không thể khư khư giữ nguyên rồi cứ thế chấp nhận thất bại.
Đừng nhờ "may rủi"
Ông Trần Chí Trung cho hay một trong những giải pháp mà đơn vị ông đang nghiên cứu là giao quảng cáo cho chính các DN vận tải xe buýt thực hiện. "Tuy nhiên, vấn đề này cần phải lấy ý kiến từ các đơn vị, DN xe buýt để đưa ra mức giá phù hợp. Nếu hiệu quả, giải pháp này đồng thời cũng sẽ hỗ trợ ngược lại cho tiền trợ giá xe buýt hằng năm" - ông Trung nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức (TP HCM), đấu giá trên thân xe buýt đã tổ chức nhiều lần nhưng liên tục thất bại cho thấy việc tiếp cận thị trường cũng như cách cung ứng dịch vụ có vấn đề. Vì vậy, cần thay đổi tư duy quảng cáo trên xe buýt, trong đó có thể ngưng tổ chức đấu thầu. Thay vào đó là mở một phòng kinh doanh để tiếp cận và đi sâu vào thị trường, chủ động tiếp thị, quảng cáo nhằm thu hút DN.
Ông Tuấn cho rằng việc quảng cáo cần hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, hình thức quảng cáo không chỉ áp dụng ở thân xe buýt mà có thể thực hiện thêm ở các trạm dừng, phía trong xe... Từ đó, phía cung ứng có thể đưa ra nhiều dạng hợp đồng với các gói khác nhau nhằm phù hợp với nhu cầu của DN hơn là mở từng đợt đấu giá vì rất dễ dẫn đến thất bại do nghiên cứu thị trường chưa kỹ.
"Phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận, cụ thể là cần chủ động tìm đến các DN chứ không thể để khách hàng tự tìm hiểu. Nhu cầu thì luôn luôn có nhưng để hiệu quả thì phải đi sâu vào phân tích thị trường, đưa ra chiến lược kinh doanh chứ không thụ động theo kiểu may rủi" - ông Tuấn đưa ra giải pháp.
Đồng tình với quan điểm của ông Tuấn, ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia giao thông, cho rằng nên có một đơn vị chính phụ trách, tự phối hợp vận hành để chủ động thực hiện các biện pháp thu hút quảng cáo. Khi thu được lợi nhuận thì có thể lấy ra một khoản và chia lại cho các thành viên thuộc đơn vị này.
"Yêu cầu mua sỉ rồi bán lẻ thì rất khó để thu hút DN tham gia nên nếu vẫn tiếp tục thì cũng dễ tái diễn thất bại" - ông Lâm Thiếu Quân băn khoăn.
Thí điểm thanh toán tự động trên xe buýt
Ngày 8-3, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM chính thức triển khai thí điểm việc thanh toán tự động trên 9 tuyến xe buýt, với khoảng 141 phương tiện. Có 2 phương thức để hành khách thực hiện thanh toán tự động, gồm thẻ thông minh Unipass và qua mã QR trên ứng dụng ở điện thoại thông minh.
Thời gian thí điểm không quá 1 năm, chia làm 2 giai đoạn. Sau thời gian thí điểm, kế hoạch là sẽ mở rộng qua các tuyến xe còn lại và liên thông với hệ thống thanh toán của các loại hình giao thông công cộng khác như metro, xe buýt nhanh trong tương lai.
Bình luận (0)