Dắt chiếc xe bị chết máy về đến cửa, ông Trần Ngọc Thanh (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM) thở dốc. Không kịp nghỉ, ông vội kê dọn đồ đạc trước khi nước tràn vào nhà.
Đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM ngập trong nước do triều cường
Khổ vì ngập nước
Ông Thanh cho hay cứ mỗi năm thì mức độ "bơi trong triều cường" càng cao. Dù nâng nền nhà nhưng cảnh bị nước tràn vào vẫn thường xuyên, nếu không kịp thu dọn thì đồ đạc hư hỏng.
Trong nhà đã thế, ngoài đường càng khổ. Gần nhất là đợt triều cường rằm tháng 9 vừa qua. Khi ấy đường Trần Xuân Soạn ngập sâu, ông và nhiều người hì hục dắt bộ phương tiện rất mệt.
"Cuối tuần còn đỡ, hễ triều cường dâng cao vào những ngày giữa tuần thì khổ nữa. Học sinh, sinh viên, người lao động đi học, đi làm về qua đoạn vừa ngập lại vừa kẹt nhìn rất cám cảnh" - ông Thanh kể.
Đường Lê Cơ, quận Bình Tân, TP HCM
Không chỉ nơi ông Thanh ở, tại chợ Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức), hỏi các tiểu thương về chuyện ngập nước, ai cũng trả lời quá ngao ngán. "Cứ mưa to xuống là đường Lã Xuân Oai này nước ngập hơn nửa bánh xe. Nhà tôi hàng hóa nhiều nên lần nào cũng phải gọi chồng về dọn phụ mới kịp. Máy bơm thì thường trực, hễ nước tràn là vội bơm ngược ra liền" - chị Như Anh (tiểu thương chợ Tăng Nhơn Phú A) nói.
Qua tìm hiểu, các tuyến đường của TP HCM như Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), Kha Vạn Cân, Hiệp Bình, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương (TP Thủ Đức), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)… luôn trong cảnh lênh láng nước mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.
Người dân vất vả vượt qua đoạn ngập trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM
Tại những cuộc họp báo kinh tế - xã hội do UBND TP HCM tổ chức định kỳ hằng tuần, các cơ quan chuyên môn thường xuyên trăn trở với tình trạng ngập của thành phố. Trong đó, tác động của biến đổi khí hậu khiến những trận mưa gần đây có cường độ rất lớn trong thời gian ngắn làm quá tải hệ thống thoát nước.
Quy hoạch với tầm nhìn xa
Mới đây, UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thoát nước của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, mưa kéo dài 3 giờ với vũ lượng 95 mm bình quân 5 năm mới xuất hiện một lần.
Tuy nhiên gần đây, mưa hơn 100 mm xuất hiện nhiều, thậm chí mưa chỉ 1 giờ song lượng mưa lên tới 150 mm, vượt khả năng tiêu thoát của hệ thống.
Theo UBND TP HCM, việc quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước hiện chưa hợp lý, sự quản lý phối hợp giữa ngành giao thông công chính với ngành khác thiếu chặt chẽ. Quy hoạch thoát nước TP HCM đến năm 2020 mà Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 đã hết thời hạn, trong khi thành phố mở rộng, tách quận và thành lập thành phố trực thuộc. Vì thế, cần nghiên cứu lập quy hoạch thoát nước cho phạm vi toàn thành phố với thời hạn quy hoạch theo điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Việc này rất cần thiết và cấp bách.
"Thời gian gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, tình trạng ngập úng tại TP HCM ngày càng tăng. Thành phố đang đối mặt với tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường thường xuyên nên cần sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ và kịp thời. Do vậy, việc đồng thời lập quy hoạch thoát nước với điều chỉnh quy hoạch chung của TP HCM là rất cấp thiết" - UBND TP HCM nêu.
Giải quyết căn cơ
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho biết TP HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung. Lần điều chỉnh quy hoạch này có những định hướng về phát triển không gian mới cho thành phố. Khi phát triển không gian mới cho thành phố sẽ nảy sinh những vấn đề mới về thoát nước.
Ông lấy ví dụ trong quy hoạch thoát nước và chống ngập. Trước đây, TP HCM chỉ tập trung cho vùng nội đô cũ còn bây giờ đã phát triển mở rộng về phía Đông và phía Nam. Do đó, nhu cầu thoát nước của TP HCM phải khác trước.
Thành phố cần những định hướng, điều chỉnh về thoát nước sao cho thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng cực đoan. "Tại những khu vực chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì việc phát triển đô thị phải gắn liền và thích nghi với tình trạng nước biển dâng, ngập nước... Công tác thoát nước tại những khu vực này cũng cần có sự thay đổi để phù hợp" - TS Võ Kim Cương nêu quan điểm. Ông cho rằng TP HCM đặt mục tiêu phát triển thông minh, hiện đại nhưng tình trạng ngập như lâu nay khiến mục tiêu này bị cản trở. Do vậy, nâng cao chất lượng thoát nước để bảo đảm tính hấp dẫn của đô thị nên được ưu tiên.
TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định việc điều chỉnh quy hoạch thoát nước là cần thiết trong bối cảnh 2 quy hoạch mang tính nền tảng cho sự phát triển của thành phố đang được triển khai. Đó là quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. "Nếu không điều chỉnh quy hoạch thoát nước TP HCM phù hợp với tình hình phát triển đô thị, tình hình biến đổi khí hậu, tình hình pháp lý thì vấn đề ngập nước sẽ khó được giải quyết một cách căn cơ" - TS Phạm Trần Hải nêu quan điểm.
Chuyên gia này gợi ý quá trình điều chỉnh quy hoạch thoát nước TP HCM cần kết hợp hài hòa giữa "giải pháp cứng" (giải pháp công trình) và "giải pháp mềm" (giải pháp phi công trình). Cùng với đó, áp dụng mô hình kết cấu hạ tầng xanh (Blue Green Infrastructure) - mạng lưới các không gian xanh và kết cấu hạ tầng được kết nối với nhau - để thực hiện chức năng như một hệ sinh thái tự nhiên nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của con người và quản lý nguồn nước hiệu quả, giảm thiểu rủi ro ngập nước.
"Cần tránh chuyển rủi ro ngập nước từ nơi này đến nơi khác, từ thời điểm hiện tại đến thời điểm tương lai. Nên có chính sách tạo nguồn lực để thực thi quy hoạch. Trong đó, một số nguyên tắc cần đặt ra và thực hiện như người hưởng lợi phải chi trả; người gây tác động tiêu cực phải có biện pháp khắc phục; người chịu thiệt hại phải được bù đắp..." - TS Phạm Trần Hải cho biết.
Đồng bộ 2 hệ thống
Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND TP HCM cho biết lần điều chỉnh quy hoạch thoát nước này sẽ tập trung vào các khu vực như quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 7, TP Thủ Đức... và mở rộng nghiên cứu tác động từ các vùng lân cận chung lưu vực sông thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Đồ án quy hoạch thoát nước TP HCM sẽ gồm 2 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật riêng biệt là quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, quy hoạch thoát nước thải đô thị.
Quy hoạch thoát nước TP HCM phải hướng tới phát triển ổn định, bền vững. Trong ảnh: Hàng quán trên đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp ế ẩm do ngập nước
Quan điểm của TP HCM trong lần điều chỉnh quy hoạch thoát nước này là điều chỉnh phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng TP HCM, Định hướng thoát nước và xử lý nước thải...
Quy hoạch thoát nước TP HCM phải hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm TP HCM và các đô thị khác trên địa bàn.
Bình luận (0)