Ngày 30-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) TP HCM đã tổ chức tọa đàm: Thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Đoàn Đại biểu QH thành phố - chủ trì cuộc tọa đàm.
Mang tầm quốc gia
Hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều nhấn mạnh việc xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 không chỉ là vấn đề của TP HCM mà còn là của cả nước, mang tầm quốc gia. Bởi lẽ, tạo cơ chế, chính sách cho TP HCM phát triển là góp phần lớn cho cả nước phát triển.
Điều này cũng được khẳng định trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là: "TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM".
"Nếu tạo một động lực thật sự thì chắc chắn tác động của TP HCM đối với cả nước sẽ cao hơn nữa, không dừng lại ở 20%-25% GDP. Đây sẽ là một cực phát triển trong giai đoạn mới của Việt Nam" - ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, nhận định.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nêu ý kiến dự thảo nghị quyết cần nhấn mạnh vai trò của TP HCM trong sự phát triển của cả nước hiện tại cũng như trong tương lai. GS-TS Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá mục tiêu đặt ra cho thành phố tại Nghị quyết 31 rất lớn. Để cụ thể hóa Nghị quyết 31, những cơ chế vượt trội để thành phố thực hiện là rất cần thiết.
Với nghị quyết mới, sự phát triển của TP HCM được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn nhận nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP HCM. Thay vào đó, các dự án của TP HCM mà đi qua những địa phương khác thì HĐND thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư... theo cơ chế vượt trội này. "Được vậy, sự thay đổi của TP HCM sẽ có tác động lan tỏa cho cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án trong nhiều năm tới" - ông Thành quả quyết.
Đồng tình, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng cơ chế đột phá, vượt trội phải bao quát hơn để phát huy vai trò mang tính lan tỏa vùng của thành phố. Theo ông, tinh thần bao trùm của nghị quyết nên là trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, tức là lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, sở - ngành có động lực phụng sự hơn.
Khởi nguồn những chính sách mới
Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia gợi mở TP HCM nên trở thành "chiếc hộp thử nghiệm chính sách" (sandbox). Trong đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho rằng mọi quốc gia đều cần sự thử nghiệm về cơ chế, chính sách chứ không thể giữ hệ thống pháp luật "bó cứng".
Đề cập 2 cách TP HCM có thể tiếp cận, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói cách đầu tiên là coi toàn bộ thành phố là một chiếc hộp thử nghiệm. Cách thứ 2 là coi từng lĩnh vực cụ thể như mỗi chiếc hộp thử nghiệm - như việc hình thành TP Thủ Đức là một chiếc hộp thử nghiệm chính sách đối với lĩnh vực chính quyền đô thị, việc hình thành trung tâm tài chính là một hộp thử nghiệm trong lĩnh vực kinh tế. Theo ông, khi thử nghiệm một lúc rất nhiều thứ thì tương đối khó khăn về nguồn lực, thời gian, chính sách. Do vậy, cách tiếp cận thứ 2 khả thi hơn.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết nếu Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào các cơ chế, chính sách khai thác nguồn thu cho thành phố thì nghị quyết mới không đặt nặng điều đó mà là thí điểm những cơ chế đột phá, vượt trội để huy động mọi nguồn lực.
"Những cơ chế đột phá, vượt trội sẽ giúp TP HCM khai phóng hết các nguồn lực để phát triển. TP HCM không chỉ là một cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của cả nước, không chỉ là một địa phương của Việt Nam mà còn là địa phương có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế với các địa phương khác trong khu vực" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết TP HCM không chỉ là một đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn có vai trò lớn trong khu vực Ảnh: PHAN ANH
Theo ông Phan Văn Mãi, những cơ chế, chính sách mới mà TP HCM đề xuất đến từ sự chủ động của thành phố; từ sự gợi ý, giao nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương cũng như vấn đề TP HCM chưa nhìn ra mà trung ương nhìn ra, đặt hàng, mong muốn thành phố thí điểm.
Về các nhóm cơ chế, chính sách trong nghị quyết mới, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trên dưới 40 nội dung, chia thành 4 nhóm. Một là, những cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 tiếp tục thực hiện. Hai là, nhóm cơ chế ở các địa phương khác đang thí điểm. Ba là, nhóm cơ chế dự kiến đưa vào sửa đổi các luật, TP HCM thí điểm thực hiện trước. Bốn là, nhóm cơ chế, chính sách mới do TP HCM đề xuất và trung ương gợi ý, đặt hàng.
Về tiến độ, Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét, soạn thảo bổ sung nghị quyết mới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình QH cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp. Khi được QH thông qua, TP HCM sẽ triển khai ngay.
Làm chủ "cuộc chơi"
Trong dự thảo nghị quyết, để thu hút đầu tư cho các dự án, TP HCM đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) bị "xóa sổ" từ năm 2018. TP HCM cũng xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp, văn hóa... theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, lo ngại sẽ vướng nhiều tranh cãi bởi cơ chế hợp đồng BT trước đây bị chỉ trích vì không minh bạch. "Để giải quyết mối quan ngại này, TP HCM cần làm rõ thực hiện BT sẽ không đổi đất lấy hạ tầng mà thanh toán từ nguồn ngân sách với cơ chế minh bạch" - ông Nghĩa nói.
Đối với PPP, ông Nghĩa cho rằng đây là "con dao hai lưỡi", nếu làm không khéo sẽ thành bán cơ hội cho tư nhân, rồi chính quyền đi lo những rắc rối về sau. Do đó, chính quyền phải có năng lực để ngang tầm trong "cuộc chơi" với tư nhân, không để tư nhân dẫn dắt.
Bình luận (0)