Đây là lần giao vắc-xin thứ 4 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC), dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hợp đồng này đã mang về Việt Nam hơn 1,9 triệu liều, tương đương gần 30% số lượng vắc-xin AstraZeneca ở nước ta.
921.400 liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca về đến TP HCM ngày 15-7 Ảnh: VNVC
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNVC, cho biết sẽ tiếp tục chuyển giao 921.400 liều vắc-xin này cho Bộ Y tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận để kịp thời triển khai tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là ở khu vực có dịch.
"VNVC đã xác nhận hợp đồng chuyển giao cho Bộ Y tế toàn bộ 30 triệu liều vắc-xin được mua từ rất sớm của AstraZeneca và cam kết đồng hành trong quá trình tiếp nhận và chuyển giao cho Bộ Y tế một cách nhanh chóng, bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng" - ông Dũng thông tin.
Theo ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi, AstraZeneca sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị liên quan để đưa vắc-xin đến Việt Nam nhanh chóng và an toàn nhất để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường và đoàn tụ với gia đình.
Cùng ngày, Bệnh viện Pháp - Việt (FV) TP HCM cho biết đã được Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM lựa chọn là đơn vị thực hiện tiêm chủng cho gần 5.000 cư dân Pháp tại TP HCM. Khoảng 10.000 liều vắc-xin Covid -19 Moderna sẽ do Lãnh sự quán Pháp chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp và đưa về Việt Nam. Sau đó, số vắc-xin này được chuyển đến Bệnh viện FV để thực hiện tiêm chủng trong vòng 1 tháng. Ngày 25-7, số vắc-xin này sẽ về tới Việt Nam và bắt đầu tiêm từ ngày 27-7 tại bệnh viện. Đối tượng được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 là công dân Pháp sinh sống, làm việc tại Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.
Tại hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 vào tối 15-7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải chuẩn bị chu đáo, không để ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Sở Y tế cần tăng cường các đội hình hỗ trợ tiêm vắc-xin. Dự kiến ngày 18-7, TP HCM sẽ triển khai tiêm 930.000 liều vắc-xin Covid-19 trong 2 tuần. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), TP chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 5 khi vắc-xin được phân bổ về TP, dự kiến hơn 1,1 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Tại mỗi quận, huyện sẽ thành lập trung tâm tổ chức tiêm chủng do một lãnh đạo quận, huyện phụ trách. TP đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện tiêm chủng để tiêm cho các đối tượng mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ. Việc tiêm vắc-xin sẽ bảo đảm giãn cách và phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, khẳng định trong đợt tiêm chủng lần 5, TP sẽ tổ chức tiêm tại 312 trạm y tế quận, huyện. Dự kiến có 630 điểm tiêm chủng, mỗi điểm tiêm cho 120 người/ngày. Thời gian tiêm chủng diễn ra trong các khung giờ 8-13 giờ và 15-20 giờ hằng ngày.
Bộ Y tế cho biết tổng số vắc-xin Covid-19 Việt Nam nhận được từ ngày 24-2 đến nay là hơn 9 triệu liều. Đến ngày 13-7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vắc-xin với tổng số hơn 8,2 triệu liều. TP HCM là một trong những địa phương được ưu tiên phân bổ vắc-xin.
Trong số 746.000 liều vắc-xin Pfizer Việt Nam tiếp nhận trong tháng 7 (trong đó có 1 lô đã về), khu vực TP HCM sẽ được nhận nhiều nhất với hơn 105.000 liều. Với 2 triệu liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ, Bộ Y tế đã chuyển 1 triệu liều cho TP HCM để tiêm chủng cho nhóm ưu tiên.
Ngày 15-7, Bộ Y tế đã phê duyệt khẩn cấp có điều kiện đối với vắc-xin Covid-19 Janssen (vắc-xin Johnson&Johnson) cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Đây là vắc-xin của Mỹ được sản xuất tại Bỉ và Hà Lan, sử dụng công nghệ virus vector, mỗi liều chứa 0,5 ml và chỉ tiêm 1 mũi.
Bình luận (0)