Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng quyết định giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) là đúng, kịp thời. Việc triển khai nội dung này trong toàn hệ thống được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, trách nhiệm cao. Công tác chỉ đạo, phối hợp sâu sát, chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời. Đồng bào TP, các tổ chức tôn giáo; cộng đồng doanh nghiệp; nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài sống trên địa bàn đều ủng hộ và chia sẻ, tham gia với trách nhiệm, tình cảm rất đáng trân quý.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, những việc làm trên đã góp phần ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh. Đến thời điểm này, cơ bản TP đã quản lý, kiểm soát các nguồn lây lan các ca bệnh. Tuy nhiên, một số ca dương tính vẫn chưa tìm được F0 và dịch bệnh vẫn tiềm ẩn ở ngoài cộng đồng. Do đó, không được lơ là, chủ quan, luôn luôn tính toán phương án phòng ngừa để dịch bệnh không lây lan. Công tác điều tra truy vết, giám sát, sàng lọc, tầm soát với từng người cụ thể phải hết sức chặt chẽ, kỹ lưỡng, chính xác. Đồng thời vận động những trường hợp liên quan đến các ca bệnh khai báo chính xác để đỡ mất công đi tìm hoặc có thể nhận định, đánh giá theo hướng khác, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch ngày 7-6. Ảnh: HCMCPV.ORG.VN
Về việc tiêm vắc-xin Covid-19, Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định TP đang chỉ đạo tập trung bằng nhiều hình thức xúc tiến, tiếp cận để mua vắc-xin trong thời gian nhanh nhất với số lượng cao nhất có thể. Kinh phí vắc xin của TP được huy động từ nhiều nguồn đã sẵn sàng với mong muốn sẽ tiêm vắc-xin cho toàn người dân TP.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng về tổng thể, dịch bệnh tại TP HCM vẫn đang trong tầm kiểm soát và có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, do xuất hiện cả 2 biến chủng và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương cần lập chốt giám sát y tế tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối; tăng cường kiểm tra giám sát, huy động nguồn lực tại phường, xã, thị trấn để phục vụ các chốt, khu cách ly.
Đối với ngành y tế, lãnh đạo TP yêu cầu huy động tổng lực tham gia xét nghiệm, không để tồn mẫu xét nghiệm của trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm trong 8 giờ kể từ khi phát hiện; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất; hướng dẫn TP Thủ Đức và các quận, huyện bố trí địa bàn làm nơi cách ly tập trung, có kế hoạch cụ thể, không để thiếu khu cách ly.
Sở Công Thương chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị bảo đảm thuận lợi cho giao thương, tiêu thụ cung ứng hàng hóa giữa TP với các địa phương khác. Chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong 6 tháng để phòng ngừa khi diễn biến dịch còn xấu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Lên kế hoạch phòng chống dịch trong khu công nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức ngày 7-6 đã ký quyết định ban hành kế hoạch phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp trên địa bàn TP.
Theo kế hoạch, TP HCM sẽ tổ chức ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 giữa đơn vị quản lý và người sử dụng lao động; triển khai tập huấn, hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc...
UBND TP HCM giao Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP chỉ đạo các cơ sở lao động thuộc thẩm quyền quản lý kiểm soát chặt chẽ thông tin người lao động (họ và tên, địa chỉ cư trú, điện thoại liên lạc...), đặc biệt là người lao động ngoại tỉnh, lao động nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở lao động để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ph.Anh
Bình luận (0)