xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công được Chủ tịch UBND TP HCM đưa ra, trong đó có xem xét trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân

Ngày 24-8, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn.

Có nhiều chuyển biến

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá công tác đầu tư công trên địa bàn có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng; nhiều dự án còn chậm, kéo dài; công tác phối hợp trong giải ngân và triển khai dự án còn hạn chế.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho biết đơn vị đã tổ chức 16 cuộc khảo sát tại 21 đơn vị và 5 dự án về đầu tư công. Ông Hiếu đặt vấn đề địa phương giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chỉ đạt 61,3% (hơn 19.700/ 32.200 tỉ đồng); năm 2022, tính đến hết ngày 31-7 chỉ giải ngân được 26,5% (8.400/ 31.648 tỉ đồng), trong đó có đến 100 dự án không giải ngân được đồng nào.

Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có tình trạng chưa sát khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục". Ngoài ra, số cơ sở nhà đất công chưa được xử lý hoặc sử dụng chưa đúng mục đích, thậm chí để trống khá nhiều trong khi các địa phương có nhu cầu đầu tư công trình công cộng, trường học, công viên... phục vụ cho người dân thì không có quỹ đất. Ông Hiếu đề nghị cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Văn Phước đề nghị xác định rõ vai trò điều hành, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố với các dự án cũng như trách nhiệm giám sát của các cơ quan. Đại biểu Huỳnh Hồng Thanh đánh giá giải ngân chậm ngoài nguyên nhân khách quan còn do năng lực của chủ đầu tư, chủ dự án nên đề nghị các đơn vị nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi cách điều hành, bởi đang có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Lãnh đạo các sở, ngành đã giải trình, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong công tác đầu tư công.

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết để cân đối vốn đầu tư công, thành phố cần bảo đảm tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng kỳ vọng, tạo nguồn thu cho ngân sách. Tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thủ tục đất đai để tạo nguồn thu từ nguồn tiền sử dụng đất; sắp xếp để có nguồn thu từ tài sản nhà, đất công và cổ phần hóa các doanh nghiệp…

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, thành phố bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các nghị định, hướng dẫn liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND thành phố thông qua. Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều bảo đảm về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỉ đồng, đáp ứng 52% nhu cầu đầu tư của thành phố. Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương được Thủ tướng giao là 142.557 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của thành phố (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỉ đồng).

Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được UBND thành phố xây dựng theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp để nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, TP HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư từ ngân sách thành phố là hơn 300.000 tỉ đồng. Dù nguồn vốn ngân sách chiếm tỉ trọng nhỏ trong vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy được nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực. Trong đó, đầu tư hoàn thiện các nút giao thông giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện tình hình giao thông như cảng Cát Lái, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông An Sương...; nâng cấp cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa khi giai đoạn 2016-2020 đưa vào sử dụng 878 giường bệnh mới, 7.478 phòng học xây mới, 71 dự án công trình văn hóa thể thao được bố trí vốn triển khai.

TP HCM đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn chỉ rõ có tình trạng đùn đẩy, phối hợp chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa cao giữa các sở, ngành

Linh hoạt trong điều hành

Chủ tịch UBND TP HCM thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm việc giải ngân chậm vốn đầu tư công trước hết là của UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố, tiếp đó là sở, ngành.

Theo ông Phan Văn Mãi, có tình trạng đùn đẩy, phối hợp chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa cao giữa các sở, ngành. Trên thực tế, thời lượng Thường trực UBND thành phố dành cho việc chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả là việc cần cải thiện.

"Chúng ta tốn nhiều thời gian nhưng chuyển biến chưa được nhiều. Bởi có những vấn đề tồn tại đã lâu, phức tạp, cần thời gian chuyển biến; đồng thời có những vấn đề đã kết luận rõ nhưng sở, ngành còn ngại, chưa triển khai" - ông Phan Văn Mãi nói. Ông cho biết cuối năm, dựa trên kết quả giải ngân đầu tư công, UBND thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân và kể cả trách nhiệm cá nhân Chủ tịch UBND thành phố. Thành phố sẽ siết kỷ cương, gia tăng phối hợp giữa quận, huyện, sở, ngành, chủ đầu tư để đạt hiệu quả về đầu tư.

Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Linh hoạt trong điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đủ điều kiện để bố trí vốn.

TP HCM cũng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; chủ động cân đối các nguồn vốn, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. 

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm giải trình

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ ước tính giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 35,49% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước đạt gần 41% và vốn nước ngoài hơn 14%. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (hơn 73%), Tổng LĐLĐ Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%); trong khi nhiều bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân chỉ dưới 35%.

Để khắc phục tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được", Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa giao 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). Các tổ trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương từ ngày 20 đến hết 30-8, sớm giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

M.Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo