Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (TTCN) vừa đề xuất UBND TP về việc chấp thuận dự án Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave khu vực TP HCM giai đoạn 1. Theo đó, đơn vị này đề xuất xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết (6 hồ ngầm và 1 hồ hở) có quy mô từ 1.500-20.000 m3 cùng các trạm bơm với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 475 tỉ đồng.
Hồ lớn nhất chỉ làm trong 1 tháng
Đầu tiên là tổ hợp hồ điều tiết tại Công viên Hoàng Văn Thụ (phường 10, quận Tân Bình) gồm cải tạo 1 hồ hở hiện hữu và 1 hồ ngầm với tổng dung tích 10.000 m3 để xóa, giảm ngập cho các tuyến đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót và Phan Thúc Duyện. Kế đến, xây dựng hồ có quy mô lớn nhất trong 7 hồ ở Công viên Làng Hoa (quận Gò Vấp) với dung tích 20.000 m3 để xóa, giảm ngập cho đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu. Hồ thứ 3 ở Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (phường 12, quận 10) với dung tích 5.000 m3 nhằm chống ngập cho đường 3 Tháng 2 (đoạn từ Học viện Hành chính quốc gia đến đường Lê Hồng Phong). Hồ thứ 4 có quy mô nhỏ hơn sẽ được lắp đặt tại dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) với dung tích 2.000 m3 chống ngập cho tuyến đường Phan Xích Long. Cuối cùng là tổ hợp 2 hồ với tổng dung tích 4.000 m3 chống ngập cho đường Điện Biên Phủ từ cầu Sài Gòn vào trung tâm TP.
Hồ điều tiết ngầm đầu tiên của TP HCM được xây dựng trước Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức hồi tháng 8-2017 đang phát huy tác dụng
Ngoài các hồ điều tiết ngầm, dự án cũng sẽ xây dựng các tuyến cống điều tiết, hệ thống mương thu nước, cải tạo miệng hố ga và các trạm bơm có công suất từ 1.000 m3/giờ đến 2.000 m3/giờ để bơm nước ra ngoài. Lãnh đạo TTCN cho hay đã mời UBND các quận liên quan cùng đơn vị chuyên môn khảo sát tại hiện trường để thống nhất các vị trí dự kiến sẽ xây dựng và đa số các đơn vị đã đồng thuận. "Theo quy trình, UBND TP phải trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư dự án thì mới có thể triển khai" - TTCN TP thông tin.
Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMC Tech, cho biết ưu điểm của các hồ điều tiết ngầm được thiết kế dạng module cross-wave theo công nghệ Nhật Bản không chiếm dụng diện tích đất như các hồ hở. Mặt khác, sau khi làm hồ xong thì các phương tiện vẫn lưu thông bên trên bình thường như hồ ở đường Võ Văn Ngân, còn nếu làm ở công viên, mảng xanh dải phân cách thì sau đó sẽ hoàn trả mặt bằng như ban đầu. Điểm đáng chú ý của công nghệ này là thời gian thi công nhanh. Theo tính toán, hồ lớn nhất với quy mô 20.000 m3 ở Công viên Làng Hoa (quận Gò Vấp) thì thời gian thi công chỉ trong vòng 1 tháng.
Cần nhiều hơn nữa
Vì không nằm trong danh sách các địa phương thuộc dự án nêu trên của TTCN nên ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho hay địa phương này đang kiến nghị TP cấp kinh phí xây dựng hồ điều tiết ngầm chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá. Theo đánh giá của quận 12, đường Nguyễn Văn Quá ngập do hệ thống thoát nước chưa kết nối đồng bộ cửa xả vào kênh Tham Lương. Ngoài ra, dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên chưa hoàn thành nên chưa thể kiểm soát được mực nước trong kênh và hạn chế khả năng tiêu thoát nước của khu vực.
Do vậy, quận 12 cho biết trong thời gian chờ các dự án được xây dựng đồng bộ thì việc xây dựng hồ điều tiết ngầm cùng trạm bơm là giải pháp khả thi nhất đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công tác chống ngập. UBND quận 12 xác định vị trí xây dựng là ở sân bóng đá Cây Sộp với quy mô 4.000 m3 với tổng kinh phí là 44 tỉ đồng.
Bình luận về động thái trên, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng cách tiếp cận xây dựng hồ điều tiết ngầm để chống ngập cho các khu vực có hệ thống thoát nước lạc hậu là cần thiết và lẽ ra TP nên làm từ lâu chứ cứ mãi chần chừ là không nên. PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP HCM, nhận định để chống ngập bền vững thì cần phải có không gian dành cho nước từ sông hồ kênh rạch cho đến hồ điều tiết khu dân cư hiện hữu.
Trong trường hợp không có quỹ đất trống để làm hồ hở thì có thể làm hồ điều tiết ngầm như các TP lớn trên thế giới. Các hồ này sẽ bổ trợ cho hệ thống thoát nước bị quá tải khi mưa lớn, vượt công suất thiết kế. "Nhu cầu hồ điều tiết ngầm của TP là rất lớn để chứa hàng triệu mét khối nên cần phải làm nhiều hơn nữa" - PGS-TS Phi nhận định.
Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn tính toán TP phải cần đến hàng trăm hồ điều tiết ngầm để bù đắp cho thời gian dài phát triển hạ tầng xâm lấn không gian trữ nước. Cụ thể, các vị trí ngập nặng như hiện nay đều cần đến hồ điều tiết để chứa nước tạm thời khi mưa lớn trước khi thải ra sông, kênh, rạch. Theo KTS Sơn, để không phải bỏ quá nhiều từ ngân sách, TP cũng cần phải tính đến việc buộc chủ đầu tư các dự án bất động sản gây ngập phải có trách nhiệm bỏ kinh phí cùng TP để thực hiện dự án chống ngập.
Ngoài ra, ông Sơn khuyến cáo do khu vực nội thành cũ, nước mưa và nước thải cùng chung tuyến cống nên đơn vị thiết kế hồ điều tiết ngầm cần tính toán phương án thu gom để nước mưa và nước thải không về chung.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc TTCN TP, khẳng định không có chuyện hồ điều tiết ngầm sẽ chứa nước thải chung với nước mưa như các chuyên gia lo ngại. Cụ thể, hồ điều tiết chỉ thu nước mưa chảy tràn trên mặt đường và có bộ phận lọc rác, đất cát ngăn không cho xuống hồ.
Bình luận (0)