Với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực tích cực ở các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở; cùng với sự ủng hộ, hợp tác, hiến kế... của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến nay sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh (gọi tắt là Đề án), diện mạo đô thị thông minh đã dần hình thành và ngày một rõ nét trên địa bàn TP.
Dấu ấn
Điểm đáng ghi nhận đầu tiên đó là việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Kho dữ liệu dùng chung - giai đoạn 1 đã và đang phục vụ tích cực cho công tác chỉ đạo điều hành của Thường trực UBND TP. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục... tại cổng dữ liệu thành phố https://data.hochiminhcity.gov.vn. Riêng cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư đang được tích cực triển khai xây dựng.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh bảo đảm chức năng kết nối với Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội của TP, kho dữ liệu dùng chung, các trung tâm điều hành trong các lĩnh vực chuyên ngành như giao thông, an ninh trật tự và trung tâm điều hành của quận, huyện cũng đã hình thành. TP HCM đã triển khai thí điểm kết nối Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP với hệ thống camera giám sát của Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và của một số quận, huyện. Tổng số lượng camera đã được tích hợp về trung tâm điều hành là hơn 1.000 chiếc. Hệ thống có khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích nâng cao dữ liệu của cùng lúc hàng chục camera để nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự, hay những sự cố bất thường khác trên mạng lưới giao thông TP. Ngoài ra, trung tâm đã kết nối thông tin tổng hợp từ: hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống một cửa điện tử; hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền bản đồ.
Ngoài ra, Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội đã được hình thành bước đầu trên cơ sở phát triển đơn vị mô phỏng dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển TP sau khi tiếp thu kinh nghiệm từ các chuyên gia, tổ chức hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực mô phỏng, dự báo. Đến nay, TP HCM đã hoàn thành tài liệu tổng hợp các phương pháp dự báo khoa học, từ đó, đã ứng dụng các mô hình để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cho các năm 2019 và 2020; phát triển mô hình kinh tế lượng: các bộ dữ liệu vĩ mô và vi mô được khai thác trong điều kiện kỹ thuật cho phép để mô hình hóa nhằm phân tích một số nội dung thuộc về đặc điểm kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để thành lập Trung tâm an toàn thông tin, UBND TP đã phê duyệt đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm an toàn thông tin TP. Trên cơ sở đề án được phê duyệt này, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đang gấp rút chuẩn bị để công ty sớm ra đời với sự tham gia của các công ty, tập đoàn mạnh trong nước có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin với hơn 51% vốn nhà nước. Còn lại là vốn góp của các đơn vị có nguồn nhân lực trình độ cao về an ninh, an toàn thông tin.
Chất lượng phục vụ được nâng cao
TP HCM cũng đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử TP, xác định đây là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Qua đó, thực hiện quá trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP về phát triển đô thị thông minh, hỗ trợ hiệu quả các chương trình đột phá, đặc biệt là chương trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đơn cử kết quả triển khai thí điểm tại một số địa phương, đơn vị cho thấy: tại quận 1 đã thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND quận, đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho các đơn vị trong công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống, góp phần phòng chống tình huống bạo động, các hành vi gây rối trật tự công cộng. Còn tại quận 12, hiện đã xây dựng trung tâm chỉ huy hình ảnh an ninh đặt tại trụ sở Công an quận, thí điểm xử lý vi phạm giao thông thông minh, hệ thống cảnh báo cháy nổ...
Việc thí điểm Đề án tại một số ngành, lĩnh vực của TP cũng đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đó là ngành giao thông đã triển khai Cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông; xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông với 713 camera, hệ thống này được kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP và được chia sẻ với một số đơn vị nhằm phục vụ bảo đảm an ninh. Bên cạnh đó, tất cả thiết bị ngoại vi đều được kết nối, quản lý và điều khiển tập trung tại Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông. Song song đó, ngành giáo dục, y tế hay trong lĩnh vực quy hoạch và công tác chống ngập... cũng được triển khai theo tinh thần Đề án một cách khẩn trương và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tiếp tục tăng tốc
Xuất phát từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện, thời gian tới TP HCM sẽ tăng tốc nhằm chuyển sang giai đoạn ứng dụng rộng rãi những kết quả đạt được trên toàn TP. Để đạt được điều đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, người dân và doanh nghiệp nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án, qua đó khuyến khích lực lượng này tham gia đề xuất các giải pháp, sáng kiến xây dựng TP HCM sớm trở thành đô thị thông minh. Bởi vì, sự cam kết của các cấp chính quyền và sự ủng hộ từ người dân, doanh nghiệp đối với Đề án là yếu tố quan trọng để triển khai đạt được hiệu quả cao nhất.
Hai là, đẩy mạnh việc triển khai hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung của TP, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu người dân, doanh nghiệp, nền địa hình, địa chính; triển khai bản đồ số dùng chung; mở rộng Kho dữ liệu dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, đồng thời cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội.
Ba là, mở rộng, xây dựng và hoàn thiện Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP như tích hợp Trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ thông qua một đầu số viễn thông duy nhất. Triển khai Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội nhằm phân tích, dự báo xu hướng phát triển của lĩnh vực này để phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành.
Bốn là, rà soát, lập danh mục các công trình, dự án của đề án cần thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, làm cơ sở để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và 5 năm kế tiếp.
Năm là, triển khai hiệu quả kiến trúc chính quyền điện tử của TP, phục vụ quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số; triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong quản lý, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT)...
Cùng với đó, chú trọng xây dựng đề án đào tạo đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin gắn với từng ngành phục vụ đô thị thông minh, cũng như chính sách đi kèm. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng đô thị thông minh.
Nhiều rào cản cần sớm tháo gỡ
Có thể khẳng định những kết quả đạt được ban đầu là rất đáng khích lệ, song nhìn trên tổng thể thì công việc phía trước vẫn còn nhiều khó khăn do đây là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Ngoài ra, Đề án có nhiều nội dung cần triển khai quy mô lớn và mới, phải thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển ứng dụng và cơ sở hạ tầng hiện tại. Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải vừa tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các TP tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào đặc điểm cụ thể của TP HCM. Do đó, một số nội dung triển khai chậm, sản phẩm chưa rõ ràng, chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu, khảo sát nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của Đề án.
Thực tiễn cho thấy việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải bám sát và tận dụng tối ưu công nghệ hiện đại; quá trình triển khai thực hiện phải phát huy khả năng dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, từ đó để lựa chọn, chuyển đổi và tích hợp giữa công nghệ hiện tại cũng như tương lai. Trong khi đó, nguồn nhân lực còn hạn chế, quy trình thực hiện Đề án phải theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước nên có những khâu gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, dẫn đến việc triển khai các hạng mục của Đề án khi được thông qua thì giải pháp công nghệ có nguy sơ sẽ không còn phù hợp, sẽ lạc hậu, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Bình luận (0)