Để tăng mảng xanh trên toàn TP HCM, đạt chỉ tiêu 1 m2/người vào năm 2030, Sở Xây dựng TP vừa có tờ trình UBND TP về Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030.
"Chiếm được ngày nào hay ngày đó"!
Giữa trưa nắng, bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM) cùng chồng vẫn tranh thủ tản bộ quanh công viên trong khu dân cư (KDC) An Lạc - Bình Trị Đông để thư giãn. Vừa đi bà Thanh vừa khoe 3 năm nay, nhờ có công viên này mà không khí khu dân cư mát mẻ hơn, không chỉ ngồi hóng gió, người dân có thể tập thể dục với máy tập có sẵn hoặc dẫn con cháu ra đây chạy xe đạp. Trước đó, khoảng xanh tươi mát gần 3.000 m2 này là 2 sân tennis, quán nhậu rất nhếch nhác…
Theo tìm hiểu, KDC trên được chủ đầu tư xây dựng từ trước năm 2010 nhưng khi đưa vào sử dụng đã không xây dựng công viên cây xanh theo quy hoạch 1/500, thay vào đó là 2 sân tennis, một số quán ăn để cho thuê thu lợi. Nhiều lần người dân phản ánh, UBND quận Bình Tân liên tiếp đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ các công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch để trả lại mảng xanh cho người dân. Nhờ vậy đến năm 2016, công viên gần 3.000 m2 mới được chủ đầu tư bàn giao cho quận Bình Tân quản lý.
Nhờ “đòi lại” mảng xanh từ chủ đầu tư nên cư dân KDC An Lạc - Bình Trị Đông được thụ hưởng không khí trong lành
Tương tự, mảng xanh gần 2.200 m2 trong khu dân cư ấp 4 - Tân Tạo (quận Bình Tân) cũng được UBND quận kiên trì "đòi lại" cho người dân để đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay.
Trái lại, do chưa đòi được mảng xanh từ chủ đầu tư nên hàng trăm hộ dân ở chung cư Prosper Plaza (phường Tân Thới Nhất, quận 12) than trời vì nắng nóng. Tại đây, 3 block nhà cao sừng sững hình chữ U nằm trơ trọi, khoảng sân chính dẫn vào các tòa nhà chỉ có vài cây xanh gần hồ bơi khiến không gian càng ngột ngạt. Ở trong nhà với máy lạnh, sau 17 giờ, anh Nguyễn Văn Bảo (block C) mới dẫn con xuống sân chơi. "Giá mà có công viên thì người dân đỡ biết mấy, theo quy hoạch 1/500 thì chung cư phải có mảng xanh khoảng 1.500 m2 nhưng 2 năm nay, ngoài vài cây xanh trồng dọc đường đi thì chưa thấy chủ đầu tư xây dựng công viên như quy hoạch" - anh Bảo cho biết và yêu cầu chính quyền buộc chủ đầu tư trả lại mảng xanh.
Gần đó, chung cư Tecco (phường Tân Thới Nhất, quận 12) đưa vào sử dụng hơn 4 năm cũng chưa có mảng xanh theo quy hoạch với 1.000 m2 thay vào đó là một mảng xanh nhỏ khoảng 300 m2 ngay cổng ra vào. "Các chủ đầu tư chung cư biết trước sau gì họ cũng phải trả lại mảng xanh nhưng cái chiêu mà họ dùng là chiếm được thêm ngày nào hay ngày đó, hòng thu lợi" - anh Nguyễn Tuy, bức xúc nói.
Rà soát quỹ đất, linh động trong đầu tư
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết qua rà soát, trên địa bàn có 27 dự án chủ đầu tư chưa bàn giao hoặc chưa đầu tư mảng xanh theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và quận đã làm việc với các chủ đầu tư và yêu cầu họ cam kết thực hiện trong thời gian sớm nhất. "Nếu đòi được, quận sẽ tăng thêm khoảng 40 ha mảng xanh từ các dự án này. Ngoài ra, liên tục 3 năm nay, quận 12 rà soát đất công bỏ trống, bất kể diện tích lớn hay nhỏ đều được thảm cỏ, trồng hoa, đặt máy tập thể dục để người dân sử dụng. Điểm nhấn là công trình cải tạo, nâng cấp 18 tuyến kênh, rạch không chỉ nạo vét, xây kè mà quỹ đất dọc 2 bờ kênh đều được trồng cây xanh, hoa theo mùa, tăng thêm hàng ngàn m2 mảng xanh cho địa phương" - ông Đậu An Phúc thông tin.
Một chung cư ở quận 12 chưa đầu tư mảng xanh theo quy hoạch đã duyệt
Theo Sở Xây dựng TP, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn TP lên đến 11.400 ha tương ứng chỉ tiêu 7 m2/người nhưng thực tế hiện nay tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ 500 ha tương ứng tỉ lệ 0,55 m2/người. "Nếu không quyết tâm, đột phá trong các giải pháp, kế hoạch đặt ra, TP HCM vẫn "khát" cây xanh khiến chất lượng sống của người dân sụt giảm" - Sở Xây dựng nhấn mạnh.
Do đó, theo Sở Xây dựng, giải pháp đặt ra là các địa phương phải rà soát, cập nhật nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/500, 1/2000. Tùy tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, các địa phương phải rà soát danh mục các công viên trong dự án phát triển nhà ở chưa đầu tư xây dựng, nhất là các dự án có người dân sinh sống. Nếu chủ đầu tư chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn chỉnh thì phải đề ra lộ trình đầu tư.
Đặc biệt, để các dự án công viên cây xanh nhanh chóng được triển khai theo quy hoạch đề ra, Sở Xây dựng cho rằng UBND TP cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô trên 10 ha (có thể xen cài các loại hình khai thác phù hợp như khu vui chơi, khu triển lãm, trưng bày, khu dịch vụ thể thao trong nhà)… Riêng những công viên có quy mô lớn trên 100 ha có thể kêu gọi đầu tư thành một khu vui chơi giải trí có thu phí nhưng có một phần diện tích làm công viên công cộng.
Mời làm việc liên tục
Chia sẻ kinh nghiệm "đòi" lại được mảng xanh ở 2 KDC nói trên, ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị UBND quận Bình Tân, cho rằng nhiều dự án thực hiện từ rất lâu nên việc yêu cầu chủ đầu tư xây dựng mảng xanh sẽ không dễ nếu không quyết liệt đôn đốc, mời họ làm việc liên tục, gây áp lực.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, nhờ liên tục thúc giục các chủ đầu tư nên có thêm 39 công viên, mảng xanh đưa vào sử dụng với diện tích 10,17 ha, nâng tổng số diện tích cây xanh được bàn giao cho quận lên 20,83 ha; còn lại 44 công viên với diện tích 23,89 ha chủ đầu tư chưa bàn giao sẽ tiếp tục được quận yêu cầu thực hiện, cố gắng đến năm 2025 đưa tất cả mảng xanh này vào sử dụng.
Bình luận (0)