Bình Chánh là huyện "dẫn đầu" về tai nạn giao thông (TNGT) năm 2018 ở TP HCM, với số người thiệt mạng do TNGT chiếm hơn 20% toàn TP. Nhiều người chưa hết giật mình với con số này thì ngày 27-3 vừa qua, trên địa bàn huyện lại xảy ra liên tiếp 2 vụ TNGT khiến 3 người chết.
Ám ảnh
Theo thống kê, trong số 5 tuyến đường có tỉ lệ TNGT cao nhất TP thì có 3 tuyến có đoạn đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, gồm Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Quốc lộ 1.
Khuya 1-4, có mặt trên đường Nguyễn Văn Linh, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến các đoàn xe tải, container lao vun vút trên đường. Ở những đoạn vắng, tài xế phóng xe như bay, thi nhau bấm kèn và bật đèn xi-nhan vượt nhau chẳng khác nào đang chạy trên… đường đua! "Ở đây, xe máy băng qua ngã tư khi đèn tín hiệu vừa chuyển sang vàng là dễ lãnh đủ vì xe tải, container chỉ cần chờ đèn vàng bên này bật lên là lao đi. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn và nhiều tình huống người đi xe máy thoát chết trong gang tấc mà tôi không khỏi rợn người" - anh Nguyễn Thanh Hùng, nhà trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn gần ra đến Quốc lộ 1 - thuộc địa bàn huyện Bình Chánh), lo sợ kể.
Ngoài huyện Bình Chánh, quận 9 và Thủ Đức cũng được xác định có TNGT cao và tập trung chủ yếu trên xa lộ Hà Nội. Tuyến đường này dù được đầu tư mở rộng cùng với 2 đường song hành đã cơ bản hoàn thiện nhưng TNGT vẫn luôn rình rập. Sáng 2-4, tại nút giao RMK và ngã tư Bình Thái, lượng phương tiện dồn dập ra vào các khu cảng xung quanh. Nhiều thời điểm ôtô, xe máy kèn cựa nhau, chạy loạn xạ qua giao lộ, bụi mù mịt. Dọc tuyến xa lộ Hà Nội dù có dải phân cách song không ít người chạy xe máy vẫn liều mạng lưu thông vào làn đường ôtô, luồn lách giữa dòng xe tải nặng. Tại khu vực trước Khu Công nghệ cao (quận 9), các hướng lưu thông liên tục xung đột. Đặc biệt, các khung giờ công nhân ra vào Khu Công nghệ cao, giao thông qua khu vực này lại trở nên hỗn loạn, bất chấp đèn đỏ.
Tương tự, Quốc lộ 1 đoạn qua cầu vượt Sóng Thần (quận Thủ Đức), ngã tư An Sương (quận 12)... dần được xem như những nút giao "tử thần" với hàng loạt vụ TNGT. Tại ngã tư An Sương, dù hầm chui theo hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 đã đưa vào sử dụng nhưng do khu vực này là một trong những nút giao trọng điểm, với lượng phương tiện dày đặc nên tình hình vẫn khá phức tạp. "Va quệt ở đây xảy ra thường xuyên. Ngoài việc các loại xe tải nặng, container... lưu thông nhiều thì không ít người chạy xe máy ý thức kém, thường xuyên đi ngược chiều, lấn tuyến hoặc cúp đầu ôtô nên rất nguy hiểm" - ông Bình (ngụ huyện Hóc Môn) nói.
Hiện trường vụ tai nạn 4 ôtô tông nhau kinh hoàng trên xa lộ Hà Nội, đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM
Dừng "tại, bị", xắn tay vào làm ngay!
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng TNGT trên địa bàn huyện phức tạp bởi chịu tác động từ nhiều nguyên nhân. Ngoài công tác tuyên truyền chưa hiệu quả thì cơ sở hạ tầng của địa phương còn nhiều hạn chế, trong khi huyện này cũng đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, với nhiều khu công nghiệp, dân cư liên tục gia tăng. Ngoài ra, phương tiện tuần tra, kiểm soát của địa phương còn nhiều hạn chế…
Trước tình hình trên, năm 2019, lãnh đạo huyện Bình Chánh đưa ra các giải pháp thực hiện là sẽ tiếp tục tuyên truyền, tăng cường các biện pháp kiểm soát tình hình giao thông và nghiêng về việc tuần tra nhắc nhở. Tiếp tục rà soát, cải tạo phù hợp trên các tuyến đường và đề xuất đối với những tuyến đường đủ điều kiện, có nguy cơ xảy ra TNGT cao thì lập dải phân cách, tách làn đường cho xe máy.
Tương tự, lãnh đạo quận 9 cũng nại do địa phương này đang tập trung khoảng 200 dự án cùng 18 trường đại học, cao đẳng... nên thu hút một lượng lớn người nhập cư, kéo theo tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường... Tình trạng trên làm giao thông ở nhiều khu vực vẫn căng thẳng. Theo đó, giải pháp của quận này là tăng cường "lấy lại" lòng đường, vỉa hè!
Trước việc các địa phương đã xác định rõ nguyên nhân nhưng TNGT vẫn phức tạp, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, cho rằng tất cả là do thiếu các giải pháp đột phá. Vì vậy, theo ông Tường, vấn đề trọng tâm đầu tiên hiện nay là biện pháp tuyên truyền phải hữu hiệu. Muốn hữu hiệu thì cần thay đổi cách làm thông qua việc lên kế hoạch tập trung cho từng nhóm đối tượng. Kế đến, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Riêng muốn đột phá thì phải tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý, xử phạt. Hành vi vi phạm lực lượng công an phải xử nghiêm. "Đột phá là phải "nhảy" vào chỗ đó chứ không phải như bây giờ rất nhiều người dân gửi ý kiến về ban nói về việc các lực lượng liên quan không "nhảy vào điểm nóng". Công an TP và quận, huyện phải tăng cường và nghiêm túc hơn nữa trong vấn đề xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm giao thông" - ông Tường đề nghị.
209 vụ TNGT, làm chết 196 người và 42 người bị thương - là những con số thống kê về tình hình TNGT trên địa bàn TP HCM 4 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 1-12-2018). Số người chết gần như tương đương số vụ, cho thấy mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT đang ngày càng gia tăng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-4
Bình luận (0)