Sở Xây dựng TP HCM vừa đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, sửa chữa, bảo vệ công trình biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975.
TP HCM đã phân loại hơn 400 biệt thự cũ.
Đến nay, sau 9 đợt phân loại (đợt 1 vào tháng 5-2020), UBND TP HCM đã công bố danh mục 411 biệt thự cũ, trong đó có 62 biệt thự cũ nhóm 1; 217 biệt thự cũ nhóm 2 và 132 biệt thự cũ nhóm 3.
Hiện, Hội đồng phân loại biệt thự đã trình UBND TP HCM và chờ phê duyệt 80 căn biệt thự cũ (đợt 10, 11 và 12).
Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã hoàn thành hồ sơ kiểm kê 418 căn biệt thự và sẽ trình Hội đồng đánh giá, phân loại; còn lại 485 biệt thự cũ chưa được lập hồ sơ kiểm kê.
Ngay sau khi có quyết định phân loại của UBND TP HCM, Sở Xây dựng đề nghị các quận - huyện và TP Thủ Đức tổ chức niêm yết, công bố công khai các danh mục biệt thự cũ trên địa bàn để các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo quy định.
Để gìn giữ, tôn tạo, Sở Xây dựng đề xuất biệt thự cũ nhóm 1, nhóm 2 sẽ được cấp bảng tên gắn trước mỗi nhà với nội dung "Nhà biệt thự nhóm 1 (hoặc nhóm 2) được quản lý, sử dụng theo quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975".
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc người sử dụng tự ý phá dỡ biệt thự khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải phục hồi, xây dựng lại biệt thự cũ theo đúng quy định.
Ngoài ra, không giải quyết cấp phép sửa chữa cải tạo hoặc xây dựng mới thuộc các trường hợp: tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật; chia tách thửa đất trong khuôn viên của nhà biệt thự.
Một biệt thự cũ trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) rơi vào tình trạng "vườn không, nhà trống".
Viện nghiên cứu phát triển TP HCM đã hoàn thành đề án nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn (gọi tắt là đề án), trong đó đề xuất một số chính sách đặc thù đối với loại hình nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975.
Để các đề xuất trong đề án đi vào thực tiễn đời sống xã hội, Sở Xây dựng đề xuất Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố (do Sở Quy hoạch - Kiến trúc là thường trực) sẽ tiếp tục nghiên cứu để pháp lý hóa, phát triển đề án thành các quy định, quy chế quản lý biệt thự cũ trên địa bàn thành phố để người dân, chủ sở hữu thực hiện đồng bộ.
Ngoài ra, việc sử dụng không gian biệt thự cũ để khai thác mặt bằng, kinh doanh hoặc mở cửa tham quan, thu hút khách du lịch tạo nguồn thu cho chủ sở hữu cũng góp phần hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cần được nghiên cứu và có sự tham gia góp ý của cơ quan liên quan như các sở Du lịch, Công thương…
Bình luận (0)